Trung Quốc đưa vào sử dụng rất nhiều các sản phẩm công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo trong mùa dịch năm nay.
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc, quốc gia này đã nhanh chóng triển khai hàng loạt robot và áp dụng nhiều công nghệ tối tân nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G. Cụ thể, trong một Chỉ thị được đưa ra vào tháng 3 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã yêu cầu mạng 5G phải được xây dựng nhanh hơn để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Ngay lập tức, chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng các hệ thống y tế thông minh 5G, tối ưu hóa và thúc đẩy ứng dụng 5G trong cuộc chiến chống lại COVID -19. Lĩnh vực y tế của Trung Quốc là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi. Hơn 100 bệnh viện đã áp dụng hệ thống 5G để tiến hành tư vấn y tế trực tuyến.
Cụ thể vào tháng 2.2020, khi các thành phố trên khắp tỉnh Tứ Xuyên bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, người ta đã nhìn thấy thiết bị bay không người lái (drone) bay vòng quanh bầu trời, phát đi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phun thuốc khử trùng và kiểm tra hình ảnh nhiệt độ cơ thể cho cư dân. Trong khi đó ở Bắc Kinh, drone được trang bị sức mạnh 5G đã gửi khẩu trang đến gần Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh và giao bữa ăn đến bệnh nhân để giảm bớt sự tiếp xúc giữa người với người. Còn tại Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát đại dịch, hàng trăm xe tải tự lái đã được sử dụng để vệ sinh đường phố, theo Nikkei.
Và dịch Covid-19 theo một cách đặc biệt nào đó đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh ứng dụng công nghệ 5G. “Một điều ngạc nhiên là dịch bệnh đã trở thành cơ hội lớn để Trung Quốc đẩy nhanh việc thử nghiệm các ứng dụng 5G mà không nhiều người biết cách sử dụng trước đây như drone, xe tự lái, cửa hàng không nhân viên phục vụ và điện thoại 5G”, Wallace Hsu, chuyên gia phân tích tại Market Intelligence & Cosulting Institute, nói.
Ngoài ứng dụng đã nêu, mạng 5G vừa được triển khai còn giúp các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến trong nước phát sóng hơn 1,57 triệu lớp học. Giáo viên tại một số trường trung học ở Bắc Kinh đã dùng điện toán đám mây để tiến hành kiểm tra từ xa. Tuy nhiên, y tế mới là lĩnh vực áp dụng 5G nhiều nhất. Hơn 100 bệnh viện đã áp dụng hệ thống 5G để tư vấn y tế trực tuyến. Các bác sĩ ở tỉnh Chiết Giang dùng công nghệ thế hệ mới để điều khiển robot làm công việc kiểm tra người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ xa trong một bệnh viện cách đó 700 km ở Vũ Hán.
Với việc triển khai hệ thống giám sát nhiệt độ bằng hình ảnh nhiệt 5G đã được triển khai rộng rãi trên khắp Trung Quốc đặc biệt là ở những nơi đông người như sân bay, nhà ga và các trung tâm vận chuyển khác đã làm tăng đáng kể hiệu quả việc theo dõi nhiệt độ cơ thể trên một đám đông di chuyển để giảm nguy cơ phơi nhiễm virus.
Khi một làn sóng người dân quay trở lại làm việc, dự kiến sẽ có một lượng lớn người đi lại và hình ảnh nhiệt 5G + có thể được phát triển để thúc đẩy ứng dụng số hóa trong kiểm soát ổ dịch.
Hầu hết ứng dụng 5G ở Trung Quốc là kết quả hợp tác giữa Huawei Technologies và nhà mạng China Mobile. Tháng 6.2019, Bắc Kinh đã hỗ trợ Huawei bằng cách bắt đầu cấp giấy phép thương mại 5G sau khi hãng này bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách đen. Tháng 3.2020, ông Tập Cận Bình cam kết tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, bao gồm hoạt động triển khai 5G, trung tâm dữ liệu và đường sắt cao tốc với mục tiêu ổn định nền kinh tế đất nước sau khi GDP của Trung Quốc giảm mạnh 6,8% trong quý đầu năm nay, lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1992.
Vừa qua, Trung Quốc đã tài trợ y tế cho một số nước châu Âu như Italy, Pháp… nhằm lôi kéo sự ủng hộ cho phép họ tham gia vào xây dựng mạng lưới 5G ở các quốc gia này. Như vậy, Trung Quốc gián tiếp gửi thông điệp ngầm đến toàn cầurằng họ đang mở rộng ‘vòi bạch tuộc’ nhằm chiếm lĩnh và thâu tóm thị trường 5G về các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên quy mô toàn cầu.