Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề chip đang gia tăng, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng đối với hoạt động bán chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc, TSMC cho biết đang có dự định đưa công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của mình sang bang Arizona (Mỹ).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022, ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC đã thảo luận về ngành công nghiệp bán dẫn với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và yết kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đài CNN.
Các chip bán dẫn hiện đại như TSMC sản xuất là một phần không thể thiếu của nhiều vật dụng/thiết bị trong đời sống hiện nay, từ điện thoại thông minh đến máy giặt. Sản xuất các dòng chip bán dẫn hiện đại đòi hỏi chi phí phát triển và trình độ công nghệ cao, nên hoạt động sản xuất chip trên toàn cầu chủ yếu tập trung ở một số ít nhà cung cấp.
Công nghệ sản xuất chip hiện đại đòi hỏi phải khắc các bóng bán dẫn có kích thước ngày càng nhỏ hơn trên các tấm bán dẫn silicon. Theo chia sẻ của nhà sáng lập TSMC, nhà máy của tập đoàn này ở bang Arizona sẽ sản xuất dòng chip 3 nanomet và đây là công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất của họ.
Năm 2020, tập đoàn chip Đài Loan tuyên bố cam kết đầu tư ít nhất 12 tỷ USD để xây dựng nhà máy đầu tiên ở bang Arizona. Ở thời điểm đó, "gã khổng lồ" công nghệ này cho biết nhà máy này sẽ "sử dụng công nghệ sản xuất chip 5 nanomet của TSMC để chế tạo tấm bán dẫn mỏng" và "trực tiếp tạo ra hơn 1.600 việc làm ở trình độ công nghệ cao". Nhà máy này dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024.
"Tôi không chỉ tin mà còn biết một thực tế rằng chi phí sản xuất chip ở Mỹ sẽ cao hơn ít nhất 55% so với ở Đài Loan", nhà sáng lập TSMC nói tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022.
"Nhưng điều đó không cản trở kế hoạch dịch chuyển một phần công suất sang Mỹ. Quy trình sản xuất chip mà chúng tôi chuyển sang là quy trình tiên tiến nhất so với bất kỳ công ty nào ở Mỹ và điều đó rất quan trọng đối với Mỹ", ông Chang nhấn mạnh.
Thông tin trên được ông Chang nêu ra vài ngày sau khi Công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett tiết lộ rằng họ đã mua một lượng cổ phần trị giá 4,1 tỷ USD của TSMC.
Số phận của ngành công nghiệp chip Đài Loan đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung chip của Đài Loan đều có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất các thiết bị chính yếu, ảnh hưởng đến hầu hết người dân trên thế giới.