Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Tranh thủ sự chuyển hướng này, các địa phương, doanh nghiệp trong nước đang có các giải pháp thu hút, khơi dậy nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, tìm hướng phát triển nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vi mạch toàn cầu.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam tích cực hợp tác với các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trên thế giới để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào trong các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới IoT hiện nay. Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch…
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã có buổi làm việc về cơ hội hợp tác với Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC. Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chip bán dẫn với hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc, trong đó có 5 người Việt Nam. Số lượng kỹ sư điện tử tốt nghiệp hằng năm khoảng 5.000, riêng vi mạch là 50 người.
Trong buổi làm việc, đại diện IMEC đưa ra một số khuyến nghị về hướng đi quan trọng cho Việt Nam như làm phòng thí nghiệm 300 Nano phù hợp với phân khúc thị trường hiện nay. Đối với các cơ sở nghiên cứu là trường đại học, IMEC khuyến cáo sử dụng các công nghệ 200 Nano là nền tảng để thiết kế chip tương đối hiện đại. Phía IMEC sẵn sàng hợp tác về mặt đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Theo đó, không đào tạo chuyên gia thiết kế vi mạch mà đào tạo những người sẽ đào tạo ra các chuyên gia thiết kế vi mạch. Đây là một trong những việc mà Việt Nam rất cần để xây dựng hệ sinh thái nhân lực mạnh trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Ngành vi mạch tại TPHCM hoạt động sôi nổi nhất trong giai đoạn 2013-2020 với một số kết quả trong việc đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip. Những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công như chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử. Trong định hướng đến năm 2030, TPHCM sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch qua đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thị trường vi mạch điện tử; vận hành và khai thác có hiệu quả thành tựu của các nhà thiết kế; tiếp tục thu hút các dự án của những tập đoàn vi mạch nước ngoài đầu tư vào thành phố.
Việc Marvell thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam hay hàng loạt các hoạt động khác liên quan đến ngành vi mạch trong thời gian gần đây cho thấy ngành vi mạch đang được chú trọng phát triển. “Với những chuyển biến, quan tâm gần đây của các cấp, ngành vi mạch đang trở lại. Đặc biệt, giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có những ký kết phát triển ngành này nên nếu quyết tâm thực hiện, chúng ta sẽ nhắc lại việc này với chính phủ Nhật Bản và tôi nghĩ rằng họ sẵn sàng hỗ trợ”, GS-TS Đặng Lương Mô cho biết.
Với việc lọt vào top 4 các quốc gia châu Á gia tăng xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ, các quốc gia khác là Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Trong tháng 2/2023, doanh số xuất khẩu chip của Việt Nam vào Mỹ đạt 562,5 triệu USD, cùng kỳ năm ngoái là 321,7 triệu USD. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ.
Tại tọa đàm “Tăng cường hợp tác đầu tư giữa IMEC và Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và TT (Bộ TT-TT), đánh giá, việc IMEC đến Việt Nam và làm việc với Bộ TT-TT đánh dấu bước hợp tác, giúp Việt Nam có cơ hội để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch. Còn theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, Việt Nam đã được Hiệp hội Bán dẫn Mỹ đánh giá có tiềm năng về thiết kế và đóng gói. Đây là những khâu Việt Nam cần tập trung.
Định hướng của Việt Nam là tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp chip vi mạch. Cùng với sự tư vấn của IMEC, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết, Việt nam sẽ tham gia từng bước. Bước đầu tiên là cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, thử nghiệm, cung cấp dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Bước tiếp theo cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, hoặc đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, Việt Nam mong muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ ở khía cạnh lập trình, đóng gói mà còn ở nhiều khía cạnh khác như hoạt động thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới internet vạn vật hiện nay.
Hiện nay, ngoài FPT và Viettel có khả năng thiết kế, sản xuất chip, thì lượng chip xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2022 FPT thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 (đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản).