Ngày 27-28/1 vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội nghị chiến lược VINASA 2024 tại Quảng Ninh.
Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức lớn, dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển GDP cao trên 5%.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp ICT đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022 và thấp hơn nhiều tăng trưởng toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy các doanh nghiệp công nghệ số đã phải đối mặt với một năm rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, VINASA đã nỗ lực rất nhiều để không chỉ hoàn thành kế hoạch đặt ra mà còn thúc đẩy các hoạt động tăng cường kết nối, phát triển thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, nâng cao vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế.
Về hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá phát triển thương hiệu: VINASA đã tổ chức 4 giải thưởng trong năm 2023: Giải thưởng Sao Khuê năm thứ 20, Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ Số, Giải thưởng Smart City Việt Nam và Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture).
VINASA nhận thấy công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và hội viên VINASA nói riêng, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế, kiểm thử, hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế. Vì thế, VINASA quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội.
Mục tiêu hướng tới của Ủy ban Phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam là nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thông qua các hoạt động: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm; kết nối hợp tác; R&D để qua đó hình thành lực lượng doanh nghiệp, chuyên gia tham gia vào hệ sinh thái phát triển chip, bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Cùng với định hướng tham gia thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, tại hội nghị chiến lược VINASA 2024, Hiệp hội này cũng đã thống nhất 3 định hướng chiến lược khác cho hoạt động của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới, bao gồm: Chuyển đổi số xanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua việc tập hợp các nguồn lực để thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo; triển khai dịch vụ mới Digital Trust để giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm được những địa chỉ cung cấp dịch vụ, giải pháp đáng tin, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng.
Với chuyển đổi xanh, VINASA nhận định đây sẽ là làn sóng tiếp theo có xu hướng phát triển nhanh và tác động trên quy mô toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững. Chuyển đổi xanh là một thị trường mới mà các doanh nghiệp công nghệ cần có được nhận thức đầy đủ, chuyển dịch nhanh chóng để bắt kịp xu hướng mới, không chỉ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp mà còn tư vấn chuyển đổi cho khách hàng, đối tác.
VINASA định hướng hợp tác với các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm xây dựng và triển khai dịch vụ mới Digital Trust – nhằm giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tìm kiếm được những địa chỉ cung cấp dịch vụ, giải pháp đáng tin, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong thời đại số, góp phần tăng trưởng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam.