Sam Bankman-Fried sẽ phải quay lại nhà tù vào ngày 11/8 sau khi một thẩm phán ủng hộ đề nghị của các công tố viên liên bang về việc thu hồi quyền bảo lãnh của nhà sáng lập sàn giao dịch FTX với cáo buộc sai lệch chứng cứ.
Thẩm phán Lewis Kaplan đã từ chối yêu cầu của ông Bankman-Fried về việc tạm giam chờ kháng cáo. Trừ khi kháng cáo thành công, ông Bankman-Fried sẽ bị tạm giam cho đến khi phiên tòa hình sự bắt đầu vào ngày 2/10.
Sam Bankman-Fried hiện sống tại nhà bố mẹ ở Palo Alto, California (Mỹ) sau khi trả 250 triệu USD tiền bảo lãnh. Trong quá trình quản thúc tại gia, ông bị hạn chế sử dụng điện thoại và bất kỳ thiết bị chơi trò chơi nào cho phép trò chuyện hoặc giao tiếp bằng giọng nói.
“Có lý do hợp lý để tin rằng bị cáo đã cố gắng làm sai lệch chứng cứ ít nhất là hai lần”, Thẩm phán Kaplan tuyên bố trong phán quyết của mình.
Phía công tố viên yêu cầu thẩm phán bỏ tù Bankman-Fried vì cho rằng ông cố gắng giả mạo các nhân chứng và cung cấp thông tin cho một phóng viên của The New York Times. Theo kiến nghị yêu cầu giam giữ Bankman-Fried, trong vài tháng qua, nhà sáng lập FTX đã gửi hơn 100 email và 1.000 cuộc gọi cho giới truyền thông.
Không chỉ vậy, Bankman-Fried còn tiết lộ nhật ký riêng tư của bạn gái cũ Ellison. Cựu Giám đốc Quỹ phòng hộ tiền số Alameda Research Caroline Ellison đã nhận tội vào tháng 12/2022 và đồng ý hợp tác với chính phủ để giảm nhẹ hình phạt, cô được xem là nhân chứng chính cho vụ truy tố cựu CEO FTX.
Thẩm phán Kaplan cho rằng việc ông Bankman-Fried tiết lộ nhật ký của bạn gái cũ nhằm mục đích “gây tổn thương” và “làm mất uy tín” của nhân chứng. Bên công tố nhận định ông Bankman-Fried đang nỗ lực làm mất uy tín của bà Ellison, mô tả hành động này như “một cách đe dọa nhân chứng trực tiếp thông qua báo chí”.
Các luật sư bào chữa thừa nhận Bankman-Fried đã trao đổi với báo chí nhằm bảo vệ danh tiếng, tuy nhiên, họ lo rằng việc cựu CEO bị bỏ tù sẽ hạn chế quyền truy cập vào hồ sơ và internet, cản trở việc chuẩn bị cho phiên tòa xét xử.
Tháng 12/2022, chính quyền Bahamas đã tiến hành bắt giữ cựu CEO FTX - ông Sam Bankman-Fried. Đảo quốc nằm ở khu vực Caribbean này chính là nơi đặt trụ sở của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX. Lệnh bắt giữ được chính phủ Bahamas đưa ra sau khi nhận được thông tin Mỹ đã đưa ra cáo trạng buộc tội Sam Bankman-Fried.
FTX được Bankman-Fried thành lập vào năm 2019. Lúc đỉnh điểm tháng 7/2021, sàn này có hơn một triệu người dùng, là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ ba tính theo khối lượng, theo CoinMarketCap. Trước khi sụp đổ, FTX cũng được định giá 32 tỷ USD và là đối thủ đáng gờm của sàn tiền số lớn nhất thế giới Binance. Sự lớn mạnh của FTX góp phần giúp Bankman-Fried luôn nằm trong top tỷ phú với hơn 16 tỷ USD. Dù vậy, cú sập khiến hầu hết tài sản bốc hơi nhanh chóng.