Gần đây, Cục XTTM đã thiết lập Gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” trên các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc. Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục XTTM đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Trong tháng 5/2021, Cục XTTM sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của Hải Dương cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến.
“Việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT ngoài những thuận lợi như sự cam và mong muốn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của doanh nghiệp hay năng lực sản xuất của các hợp tác xã đang ngày một ổn định hơn, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử còn hạn chế, thiếu cán bộ hiểu về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, các quy trình quản lý kỹ thuật cần được nâng cao hơn nữa, nhận thức của người sản xuất về thị trường và các yêu cầu thực tế liên quan đến chất lượng cần tiếp tục được củng cố”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin XTTM, Cục XTTM cho biết.
Việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT cũng đang gặp phải khá nhiều thách thức, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng TMĐT là việc doanh nghiệp có thể làm, tuy nhiên, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản các cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh của doanh nghiệp, cách thức chăm sóc khách hàng và những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết và quản lý chất lượng sản phẩm. Chỉ khi doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ những nội dung này, việc kinh doanh thương mại điện tử mới có thể thành công.
Khóa huấn luyện lần này do cán bộ của Cục XTTM và các chuyên viên đến từ sàn TMĐT Lazada trực tiếp triển khai. Thành phần tham dự sự kiện gồm đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức, hội/chi hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các doanh nghiệp tham gia huấn luyện với mong muốn kết nối và tiêu thụ được các sản phẩm như OCCOP, nông sản chế biến, nông sản tươi, tiểu thủ công nghiệp…
Hai nội dung chính của khóa huấn luyện được nhóm giảng viên tập trung hướng dẫn đó là cách hiểu đúng để triển khai hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hướng dẫn các doanh nghiệp và hợp tác xã từng bước tham gia hoạt động thương mại điện tử thành công trên các sàn TMĐT. Đây là hoạt động hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp, tập trung vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Khóa huấn luyện được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đảm bảo giãn cách và các hoạt động phòng dịch theo đúng yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
“Với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự cam kết về chất lướng sản phẩm và tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, đặc biệt, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Cục xúc tiến thương mại, chúng tôi tin rằng sản phẩm vải thiều nói riêng và các sản phẩm tiềm năng khác của Hải Dương sẽ tham gia các hoạt động thương mại điện tử thành công”, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương phát biểu khai mạc tại khóa huấn luyện về hướng dẫn quản lý chất lượng và tham gia sàn thương mại điện tử thành công được tổ chức tại Hải Dương sáng ngày 06 tháng 05 năm 2021.
Trước đó, vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2021, trong 10 ngày triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ Hải đương vào thời điểm cách ly, Cục XTTM đã đã hỗ trợ tiêu thụ 102 tấn nông sản của Hải Dương qua các kênh cả trực tiếp và qua sàn TMĐT. Cục đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương triển khai các hoạt động vừa đảm bảo an toàn mùa dịch, vừa đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Thông qua chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, đã có 24 điểm bán được mở ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận ở phía Nam. Các điểm bán hàng này được mở tại các siêu thị, các điểm bán hàng ở các khu chung cư, chợ đầu mối.
Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, Cục XTTM phát động phong trào kếtnối thiện nguyện do đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thuộc Cục XTTM triển khai. Kinh phí ủng hộ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm được Cục XTTM phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôntỉnh Hải Dương mua gom hơn 53 tấn rau củ và gần 58 nghìn quả trứng trực tiếp từ các hộ nông dân tỉnh Hải Dương. Nông sản thu mua được Đoàn Thanh niên Cục XTTM cung cấp miễn phí cho các trường học, các trường mầm non, trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, bệnh viện… Với chương trình này, gia trị nhân văn đã được lan tỏa rộng rãi, tinh thần “người Việt dùng hàng Việt” được nâng cao. Hơn hết, việc kết hợp giáo dục cho các em học sinh về một cộng đồng nhân ái, giúp các em hiểu thêm những khó khăn vất vả của bà con khi sản xuất ra sản phẩm là tinh thần còn đọng lại.