Rất nhiều hãng công nghệ lớn cũng đã bắt đầu thử nghiệm phần mềm AI của riêng mình nhằm phục vụ các nhu cầu của người tiêu dùng. Đa số các trợ lý ảo hiện nay như Google Assistant, Amazon Alexa hay Apple Siri đều chủ yếu hoạt động bằng cách nhận mệnh lệnh từ con người qua giọng nói. Bởi thế, Huawei muốn tạo ra một bước đột phá mới khi đang lên kế hoạch phát triển một trợ lý ảo có thể hiểu và tương tác cảm xúc với con người. Công nghệ mà Huawei đề cập đến trong định hướng về trợ lý ảo tương lai là “emotion AI”.
Ông Felix Zhang, phó chủ tịch mảng kỹ thuật phần mềm của Huawei chia sẻ về chiến lược phát triển trợ lý ảo: “Chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng những tương tác cảm tính nhiều hơn. Huawei tin rằng, người dùng chắc chắn sẽ muốn giao tiếp với mọi hệ thống thông qua chế độ này. Đây chính là mục tiêu dài hạn mà Huawei đang hướng tới”. Vào năm 2013, Huawei đã cho ra mắt trợ lý ảo của mình tại thị trường Trung Quốc. Đến nay, đã có đến 110 triệu người sử dụng trợ lý ảo của hãng mỗi ngày chỉ tính riêng tại thị trường này.
James Lu, giám đốc quản lý sản phẩm AI của Huawei tin rằng, trợ lý ảo AI của hãng sẽ cố gắng giữ cuộc trò chuyện lâu nhất có thể để người dùng không cảm thấy bị lạc lõng. Bước đầu tiên trong kế hoạch của Huawei là nỗ lực đào tại AI đạt được IQ và EQ cao. Đây là hai chỉ số quan trọng giúp AI có thể hiểu được câu chuyện của người dùng và phản hồi lại tinh tế như một người bạn. Với công nghệ này, các trợ lý ảo giọng nói có thể nắm bắt cảm xúc của người dùng thông qua phân tích biểu hiện khuôn mặt, tông của giọng nói, các mẫu hành vi của người dùng.