Cụ thể, theo hãng thông tấn AP, cơ quan USCIS cho biết sẽ dùng tài khoản giả để "tiếp cận thông tin công khai trên mạng xã hội" của người xin thị thực, thẻ xanh hay quốc tịch. Tuy nhiên, Cơ quan này tuyên bố sẽ tôn trọng quyền riêng tư của mọi người bằng cách không kết bạn hay bấm nút theo dõi người dùng, mà chỉ dùng để "tiếp cận thông tin công khai trên mạng xã hội".
Kế hoạch mới của USCIS có thể vi phạm các điều khoản sử dụng của các mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter. Cả hai đều nghiêm cấm người dùng tạo tài khoản giả.
"Tuyên bố của USCIS vi phạm chính sách của chúng tôi về việc tạo tài khoản giả và dùng tài khoản đó với mục đích theo dõi. Chúng tôi mong muốn hiểu rõ hơn kế hoạch của USCIS để xác định điều đó có phù hợp với các điều khoản dịch vụ của chúng tôi hay không", đại diện mạng xã hội Twitter cho biết.
Ông Dave Maass, một nhà nghiên cứu điều tra cao cấp của nhóm vận động tự do dân sự Electronic Frontier Foundation, cho biết chính sách mới này "làm suy yếu niềm tin của chúng tôi vào các công ty truyền thông xã hội".
Trong tuần này, ít nhất một sinh viên Palestine bị cấm nhập cảnh ngay khi đến sân bay Mỹ với lý do đăng tải các bình luận trên mạng xã hội "chứa đựng quan điểm chính trị chống lại Washington".
Trước đó, hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố tất cả ứng viên nộp đơn xin visa sẽ phải cung cấp thông tin về tài khoản mạng xã hội và địa chỉ email thường dùng trong vòng 5 năm qua để kiểm tra.
Đây là động thái gây tranh cãi do kể từ cuộc bầu cử năm 2016, Mỹ không ngừng cáo buộc nước ngoài dùng tài khoản giả mạo can dự vào kết quả bầu cử và vấn đề nội bộ. Washington còn tăng cường biện pháp giám sát, gây áp lực buộc Facebook và Twitter phải ngăn chặn tài khoản giả mạo.
Hai công ty mạng xã hội tuyên bố tuân thủ và đã xóa bỏ hoặc chặn hàng ngàn tài khoản giả mạo từ Nga vốn bị cáo buộc can dự vào cuộc bầu cử Mỹ.