Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Meta, công ty mẹ Facebook, doanh thu của Meta đạt 32,17 tỷ USD, con số này cao hơn mức dự đoán 31,53 tỷ USD của các chuyên gia. Tuy nhiên, Meta cho biết bộ phận Reality Labs đã chứng kiến khoản lỗ 4,28 tỷ USD trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, nâng tổng số tiền lỗ trong năm 2022 lên 13,72 tỷ USD.
Cụ thể, Reality Labs là nơi tập trung các dự án và công nghệ thực tế ảo của công ty. Mong muốn của Zuckerberg là thông qua Reality Labs để đưa Meta trở thành một công ty đi đầu trong thế giới kỹ thuật số.
Năm 2022 là một năm đáng quên đối với Meta, công ty được biết đến trước đây với cái tên Facebook. Vào cuối năm 2021, Zuckerberg đã đổi tên công ty và tuyên bố tương lai của họ nằm trong metaverse - một vũ trụ số nơi mọi người cùng làm việc, mua sắm, chơi đùa, và học tập.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, vũ trụ đó không khác gì hố đen hút tiền, và Meta vẫn là một công ty quảng cáo trực tuyến như trước đây.
Reality Labs mang về cho công ty khoản doanh thu 727 triệu USD trong quý IV, và 2,16 tỷ USD trong toàn năm 2022 - giảm nhẹ từ mức 2,27 tỷ USD trong năm 2021 - trong đó đã bao gồm doanh thu từ các sản phẩm headset mang nhãn hiệu Quest. Nói cách khác, bộ phận này “đốt” số tiền nhiều gấp 6 lần những gì họ kiếm được trong năm ngoái, trong khi chỉ đóng góp chưa đến 2% tổng doanh thu của Meta.
Trước đó, các nhà phân tích từng dự báo Reality Labs có thể ghi nhận khoản lỗ 4,36 tỷ USD mỗi quý trên doanh thu khoảng 715,1 triệu USD.
Doanh thu từ headset VR tại Mỹ của Meta cũng giảm 2% trong năm 2022 so với năm trước, tính đến tháng 12 vừa qua.
Trong một lần chia sẻ với CNBC, tỷ phú Mark Zuckerberg bày tỏ sự kỳ vọng rằng ông sẽ đạt được khoảng 1 tỷ người trong metaverse thực hiện giao dịch hàng trăm USD trong thời gian tới, nhưng ở thời điểm hiện tại, ván cược này của Meta đã ngốn quá nhiều tiền. Meta đã phải chi hàng tỷ USD để phát triển VR (thực tế ảo) và các công nghệ thực tế tăng cường làm nền tảng cho khái niệm metaverse.
Từ khi CEO Mark Zuckerberg tuyên bố Meta sẽ tập trung đầu tư vào metaverse, công ty đã phải chứng kiến những khoản lỗ khổng lồ, điều này đã khiến nhiều cổ đông lo lắng.
Meta đã đánh mất gần 2/3 giá trị trong năm ngoái, khi mà chi phí phát triển metaverse tăng vọt và mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến của công ty gặp nhiều khó khăn do tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok, và chính sách quyền riêng tư mới của Apple cho phép người dùng giới hạn quảng cáo nhắm mục tiêu.
Tuy vậy, báo cáo tài chính quý IV/2022 mới được công bố với những kết quả tốt hơn so với ước tính từ các nhà phân tích, cũng như việc công ty tuyên bố bỏ ra 40 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, đã khiến giá cổ phiếu của Meta tăng hơn 17% trong phiên giao dịch mở rộng.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính của Meta là, dù bị chỉ trích cũng như cạnh tranh khốc liệt từ TikTok, nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới vẫn đạt được cột mốc 2 tỷ người dùng thường xuyên mỗi ngày, so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 1,99 tỷ. Số lượng người dùng thường xuyên mỗi tháng của họ hiện là 2,96 tỷ (kỳ vọng 2,98 tỷ), trong khi doanh thu trung bình trên mỗi người dùng đạt 10,86 USD (kỳ vọng 10,63 USD).