Sáng 10/5 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ Australia và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức sự kiện công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam năm 2021. Qua đó ghi nhận, người dân đánh giá sự cải thiện ở nhiều chỉ số về quản trị và hành chính công; đặc biệt, trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cho dù vẫn còn không ít tồn tại và thách thức hay việc tạo lại niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế hộ gia đình....
Báo cáo PAPI năm 2021 trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh theo 8 chỉ số nội dung bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử và điểm chỉ số PAPI tổng hợp. So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung như sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Bên cạnh nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc thì phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lại thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do dịch COVID-19 thời gian gần đây.
Theo kết quả khảo sát, năm 2021 là năm mà Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong 2 năm qua, người dân đặc biệt tỏ rõ sự quan tâm về sức khỏe, với tỉ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% song song với những quan ngại về tăng trưởng kinh tế và việc làm. Trong khi đó, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường có xu hướng giảm nhẹ. Tỷ lệ người dân hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình cũng tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên theo từng năm.
Cùng với đó, tỷ lệ người dân trả lời khảo sát cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020. Tỷ lệ hài lòng với cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền cũng giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ số nội dung về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu. Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.
Song song với những vấn đề còn tồn tại, người dân cũng ghi nhận sự cải thiện ở một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch và vệ sinh môi trường đã tốt hơn; tình hình trộm cướp tại địa bàn dân cư giảm thấp hơn; chất lượng giáo dục tiểu học công lập cũng tăng trở lại sau khi sụt giảm bất thường vào năm 2020 khi các trường chưa kịp ứng phó với những thách thức của đại dịch COVID-19. Năm 2021 là năm thứ hai của đại dịch nên đã có hơn 60% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết trường học của con em họ được trang bị thiết bị công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp ở các tỉnh miền núi hoặc các tỉnh nghèo.
Năm 2021, PAPI được tiến hành khảo sát với 15.833 người dân tham gia từ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dựa trên nghiên cứu thí điểm thành công năm 2020, PAPI tiếp tục mở rộng nghiên cứu khả năng tiếp cận của người di cư đối với quản trị tốt và các dịch vụ công chất lượng ở những tỉnh, thành phố mà họ chuyển tới tạm trú. Năm 2021, PAPI đã phỏng vấn 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư nội địa dòng dương. Kết quả khảo sát cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức trong tiếp cận quản trị công hiệu quả đối với cả dân tạm trú và dân thường trú ở các tỉnh tiếp nhận nhiều dân di cư.
Bình đẳng đối với dân di cư là một vấn đề đáng quan tâm do hậu quả của đại dịch COVID-19 do có sự chênh lệch rõ ràng giữa người tạm trú và thường trú ở từng địa phương. Năm 2021, tỉ lệ người dân mong muốn di cư rất thấp, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh mẽ vào năm 2021 dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc. Năm 2021 có ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là để đoàn tụ gia đình; để có công việc tốt hơn và để được sống trong môi trường tự nhiên tốt hơn.