Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.
Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.
Cụ thể: mức phí xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh là 130.000 đồng/tháng; xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ: 390.000 đồng/tháng; xe chở người từ 40 chỗ trở lên: 590.000 đồng/tháng.
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19 tấn đến dưới 27 tấn có mức phí 720.000 đồng/kg.
Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000kg trở lên có mức phí cao nhất là 1.430.000 đồng/tháng.
Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Chủ xe nộp phí theo chu kỳ đăng kiểm, theo năm dương lịch, theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
Thời gian giảm phí là 6 tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực thi hành, dự kiến áp dụng trong năm 2023.
Đề xuất trên nếu được Chính phủ thông qua sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Với mức giảm phí như đề xuất, Bộ Tài chính ước ngân sách năm 2023 sẽ giảm thu khoảng 390 tỷ đồng.
Tiền phí đường bộ hàng năm thu được khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước và dùng toàn bộ cho việc bảo trì đường bộ. Ngoài số tiền thu phí trên, mỗi năm, ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.