Huawei cho rằng việc chính phủ Mỹ cấm các cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm viễn thông của mình chẳng khác nào lệnh “tước quyền công dân” đối với họ. Vụ kiện có thể là một động thái buộc chính phủ Mỹ tiết lộ nhiều hơn các bằng chứng về cáo buộc đó. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Huawei ăn cắp các bí mật thương mại từ T-Mobile và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran khi thực hiện việc kinh doanh với nước này.
Đầu tháng 12 năm ngoái, CFO Huawei, bà Mạnh Vãn Chu cũng bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ vì các cáo buộc lừa dối để vi phạm lệnh trừng phạt với Iran. Bà được tại ngoại, nhưng đang phải đối mặt với yêu cầu dẫn độ về Mỹ dựa trên các cáo buộc mới của Bộ Tư pháp Mỹ và bà đang tiến hành kiện chính phủ Canada vì hành vi bắt giữ trái pháp luật.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác, đặc biệt là những nước có đặt căn cứ quân sự của Mỹ, dừng sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Chính phủ Mỹ đã liên hệ với Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và các đồng minh khác, đưa ra các mối liên quan giữa 5G với các vụ tấn công mạng và nghe trộm.
Sau khi kiểm soát được hoàn toàn các thiệt hại, Huawei đang tiến hành phản công lại chính phủ Mỹ, thay vì chấp nhận đầu hàng. Với đơn kiện này, Huawei cho thấy họ đang có kế hoạch thách thức dự luật chi tiêu quốc phòng của Mỹ khi ngăn chặn các cơ quan điều hành sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE. Công ty có thể lập luận rằng, hành động của Mỹ là một “lệnh tước quyền công dân và tài sản” khi trừng phạt riêng một công ty nào đó không qua xét xử - điều bị chính Hiến pháp của Mỹ cấm.