Sự kiện đánh giá các xu hướng về phát triển kinh tế, thương mại và kinh doanh và các cơ hội trong lĩnh vực hóa chất và sản phẩm hóa chất, dược phẩm, chế biến nông sản và thực phẩm, may mặc và dệt may, da giày, ô tô, sản xuất điện và truyền tải điện, năng lượng tái tạo, mặt hàng cơ khí và CNTT, ngân hàng, v.v.
Cuộc gặp gỡ nhằm xác định các cơ hội và nỗ lực hướng tới hợp tác kinh doanh song phương và xác định các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam trình bày quan điểm của họ về quan hệ thương mại và kinh doanh song phương Ấn Độ - Việt Nam. Các công ty Ấn Độ hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau cũng trình bày quan điểm và đề xuất của họ để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã đề cập đến tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng ở Ấn Độ cũng như Việt Nam và tầm nhìn kinh tế của Việt Nam 2045 và Ấn Độ phát triển vào năm 2047, đang tạo ra những cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và hợp tác kinh doanh giữa hai nước.
Ông đề cập đến các xu hướng kinh tế và thương mại tích cực giữa Ấn Độ - Việt Nam, những nỗ lực của Đại sứ quán nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và đưa ra các đề xuất để thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh doanh trong năm 2025. Ông cũng hoan nghênh xu hướng phát triển tích cực về du lịch hai chiều giữa hai nước và những nỗ lực của cả hai bên nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này trong những năm tới. Ông cũng hy vọng rằng việc xem xét lại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ năm 2009 sẽ Hiệp định này trở nên ưu đãi hơn, đơn giản hơn, thân thiện và thuận lợi hơn với doanh nghiệp.
Chia sẻ về các xu hướng trong nền kinh tế Ấn Độ, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán, ông Chinpau Ngaihte đã nhấn mạnh đến việc phát triển hành lang công nghiệp, công nghệ mới nổi, năng lượng, khởi nghiệp, ngân hàng và các phát triển năng lực toàn cầu tại Ấn Độ, cùng những hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế gần đây giữa hai nước và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp vào hội chợ thương mại và triển lãm tại Ấn Độ và Việt Nam.
Trong bài phát biểu đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa, đồng thời lưu ý rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển đáng kể trong những năm qua khi Ấn Độ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Bà thông báo rằng vào năm 2024, thương mại song phương giữa hai nước dự kiến sẽ vượt quá 15 tỷ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Cả hai bên đang phối hợp với nhau để tổ chức cuộc họp lần thứ 6 của Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp vào quý I năm 2025, đây sẽ là cơ hội tốt để xem xét và giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến quan hệ kinh tế.
Tại phiên thảo luận kết nối, các đại biểu được cập nhật thông tin và các cơ hội kết nối kinh doanh đến từ các diễn giả là đại diện của các hiệp hội ngành hàng sản xuất chủ lực của hai quốc gia, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng,...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Investglobal thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ về Phát triển xanh - Cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ, bà Phùng Thị Kim Thu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về sản xuất thủy sản của Việt Nam và cơ hội hợp tác với Ấn Độ, ông Mahanand, Uno Minda Vietnam về cơ hội trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, ông Lê Kỳ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) về ngành cơ khí của Việt Nam và cơ hội hợp tác với Ấn Độ, ông Om Prakash Srivastava, Giám đốc Công nghệ HCL Tech về Hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Kinh doanh & Hợp tác Toàn cầu, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT với Ấn Độ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam chia sẻ về ngành điện tử của Việt Nam và cơ hội hợp tác với Ấn Độ, ông Sandeep Kumar Singh, Trưởng đại diện Ngân hàng Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và các cơ hội hợp tác với Ấn Độ.
Các diễn giả đã đưa ra các đánh giá về hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong các lĩnh vực khác nhau và thảo luận về các cách thức khai thác tiềm năng to lớn trong lĩnh vưc thương mại song phương để cộng đồng doanh nghiệp hai nước có thể được hưởng lợi từ quan hệ đối tác của hai trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế và giao lưu thương mại giữa hai nước đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước đạt 13,67 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,5%. Xuất khẩu của Ấn Độ đạt 5,29 tỷ đô la Mỹ trong khi xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,38 tỷ đô la Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ bao gồm thịt trâu đông lạnh, hải sản, nông sản, máy móc và thiết bị, linh kiện ô tô, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm thép và kim loại, v.v. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là máy tính và phần cứng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện, máy móc và thiết bị, kim loại thông thường, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giày dép, v.v.
Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam vài tháng trước, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cần phải tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ở cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp của hai nước và nâng kim ngạch thương mại song phương cao hơn mức hiện tại là khoảng 15 tỷ đô la Mỹ. Các nhà lãnh đạo cũng khuyến khích tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, đưa ra các lĩnh vực cụ thể, phù hợp với sự hợp tác giữa Ấn Độ - Việt Nam. Tầm quan trọng của chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, thanh toán số, năng lượng nguyên tử, du lịch, mở rộng kết nối chuyến bay trực tiếp cũng được hai chính phủ nhấn mạnh. Cuộc gặp gỡ về hợp tác kinh tế và kinh doanh với sự tham gia của hơn 200 doanh nhân, quan chức và chuyên gia sẽ tăng cường hiểu biết và nhận thức về các cơ hội kinh doanh, kết nối các doanh nghiệp của hai nước và đưa ra các lĩnh vực cần tập trung hơn nữa giữa hai quốc gia.