Mỗi nguyên tử carbon trong cơ thể chúng ta mang trong mình một câu chuyện kỳ diệu về vũ trụ, với tuổi thọ kéo dài hàng trăm nghìn năm ánh sáng. Đây là phát hiện đầy cảm hứng vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.
Theo nhóm nghiên cứu do Samantha Garza, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Washington dẫn đầu, các nguyên tử carbon không chỉ tồn tại trong cơ thể con người hay các sinh vật sống khác, mà còn có nguồn gốc từ không gian bao la giữa các vì sao. Những nguyên tử này là một phần của "nhà máy tái chế khổng lồ" trong thiên hà - hệ thống liên tục sản xuất và tái chế vật chất, từ các vụ nổ siêu tân tinh đến quá trình hình thành sao và hành tinh.
Carbon, khối xây dựng cơ bản của sự sống, chiếm khoảng 18% trọng lượng cơ thể con người. Nó là nền tảng của các phân tử hữu cơ như protein, chất béo, carbohydrate và axit nucleic (DNA). "Không có carbon, sự sống như chúng ta biết sẽ không tồn tại", nhóm nghiên cứu khẳng định.
Bằng việc sử dụng Kính phổ Nguồn gốc Vũ trụ trên Kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng carbon có thể trải dài tới 400.000 năm ánh sáng trong không gian - gấp 4 lần đường kính của dải Ngân hà.
"Chính những nguyên tử carbon trong cơ thể chúng ta rất có thể đã trải qua hàng triệu năm trôi nổi bên ngoài thiên hà", Jessica Werk, giáo sư và chủ nhiệm Khoa Thiên văn học tại Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh.
Ông Garza so sánh thiên hà với một "nhà ga khổng lồ", nơi vật chất không ngừng được đẩy ra ngoài qua các vụ nổ siêu tân tinh, rồi sau đó quay trở lại để tiếp tục chu kỳ tạo sao. "Khi bạn hít thở, bạn đang hấp thụ những nguyên tử carbon từng là một phần của hệ thống tái chế thiên hà," ông giải thích.
Nghiên cứu không chỉ mở ra góc nhìn mới về sự tiến hóa của các thiên hà mà còn nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa con người và vũ trụ. Mỗi nguyên tử carbon trong cơ thể chúng ta, từ khởi nguồn xa xôi của nó, đều mang trong mình một câu chuyện vũ trụ đầy kỳ diệu.