Theo Reuters, từ năm 2014-2017, Trung Quốc cung cấp 80% lượng đất hiếm cho Mỹ. Bên cạnh đó Trung Quốc đáp ứng hơn 95% nhu cầu đất hiếm của thế giới. Đây được xem là lợi thế của Trung Quốc trong chiến thương mại đang dần chuyển sang cuộc đua công nghệ cao giữa hai nước.
Đất hiếm là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học có vai trò thiết yếu trong việc sản xuất hàng điện tử và công nghệ cao, từ điện thoại, tivi đến camera.
Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng nước này có thể sử dụng vai trò nhà cung cấp đất hiếm chính cho Mỹ để trả đũa các hành vi thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
"Đất hiếm dùng để làm nam châm là loại lý tưởng nhất để sử dụng làm ‘vũ khí’ chiến tranh thương mại. Những loại đất hiếm này có vai trò rất quan trọng đối với những ngày công nghiệp có nhu cầu lớn, mức độ cạnh tranh lớn và nhạy cảm về giá cả", ông Ryan Castilloux, Giám đốc công ty tư vấn thị trường đất hiếm Adamas Intelligence, phát biểu với Reuters.
"Những loại đất hiếm như vậy chiếm hơn 90% giá trị của nhu cầu đất hiếm trên toàn cầu mỗi năm, nên việc nhằm vào những loại đó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn cả", ông Castilloux nhấn mạnh.
Bất kỳ hành động nào nhằm hạn chế xuất khẩu cũng sẽ khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng xa cách. Đến nay, hai nước đã đánh thuế hàng nhập khẩu của nhau. Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen, còn Trung Quốc cảnh báo công dân không nên sang Mỹ.
Sau khi chính quyền Mỹ cấm vận cấm Huawei, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đả kích Washington. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nước này sẵn sàng cho cuộc "Vạn lý trường chinh" mới.
“Đáp ứng nhu cầu nội địa sẽ là ưu tiên, nhưng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp đất hiếm toàn cầu nếu chúng được dùng một cách hợp lý”, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã bình luận ngày 29/5. “Tuy nhiên, nếu ai đó dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý”.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, giá đất hiếm cũng tăng nhanh. Một số loại đất hiếm đang thiết lập kỷ lục về giá như dysprosium, neodymium hay gadolinium oxide.
Trong đó, dysprosium - một loại đất hiếm dùng để chế tạo nam châm, đèn cao áp hay thanh điều khiển hạt nhân - tăng giá lên đến 2.025 NDT/kg (khoảng 293 USD). Theo Asian Metal, đây là mức giá cao nhất của loại đất hiếm này kể từ tháng 6/2015.
Hiện tại, giá của dysprosium đã tăng 14% so với ngày 20/5. Đây là ngày chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm. Động thái này đã dấy lên những đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ dùng đất hiếm để đe dọa Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Giá đất hiếm neodymium đã tăng lên mức hơn 63 USD/kg, cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Giá neodymium đã tăng 30% kể từ hôm 20/5. Loại đất hiếm này là vật liệu quan trọng để sản xuất nam châm dùng trong động cơ và tua bin.
Đất hiếm oxit gadolinium được sử dụng trong các thiết bị chẩn đoán hình ảnh y tế và pin nhiên liệu đã tăng 12,6% so với ngày 20/5, đạt mức giá 192.500 NDT/tấn, cao nhất trong 5 năm.
Mỹ từng là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới giai đoạn 1960 - 1980. Sau đó, hoạt động này dần chuyển ra nước ngoài. Quốc gia này hiện có 1,4 triệu m3 trữ lượng đất hiếm, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Công ty khai thác đất hiếm duy nhất tại Mỹ - MP Materials lại xuất khẩu toàn bộ sản lượng khai thác sang Trung Quốc. Vì trên thế giới không cơ sở chế biến nào có đủ năng lực xử lý lượng sản phẩm của họ.
"Cân nhắc đến an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đảm bảo sẽ không để các thế lực bên ngoài gây sức ép bằng các loại tài nguyên thiên nhiên quan trọng với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt khẳng định, "Bộ sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược của Tổng thống, từ cắt giảm quy trình cấp phép cho đến chuyển nguồn cung khoáng sản về Mỹ".