Chia sẻ nhân kỷ niệm 59 năm ngày thành lập VCCI (27/4), Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Suốt 58 năm qua, VCCI luôn giữ vững ngọn cờ đầu và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Tiếp nối những thành tựu đạt được, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 - 2025, đã thống nhất quan điểm, định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là Doanh nghiệp vững mạnh – Đất nước thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã nhấn mạnh về 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới.
Kết quả nhiệm kỳ VI là nền tảng vững chắc để VCCI triển khai tiếp các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ VII (2021-2026) nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra với 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển HHDN và hội viên; Phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam; Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.
VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược, gồm tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh.
Trao đổi về việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Phạm Tânc Công, Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp lúc nào cũng mong muốn một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định để phát triển. Nhiều quốc gia không có tài nguyên như Nhật Bản, Singapore nhưng họ rất phát triển bởi có một thể chế tốt, bộ máy, chính sách được thiết kế hoàn hảo cho doanh nghiệp phát triển. Để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 thì phải có một khung thể chế tốt.
Tại Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, VCCI cần ưu tiên, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần cùng Chính phủ nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực.
VCCI luôn nỗ lực và nỗ lực hơn nữa, phát huy sức mạnh tổng lực, tinh thần đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để góp phần giải quyết những bài toán, vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước, đưa đất nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
VCCI đã chủ động và tham gia tích cực xây dựng và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định.
VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 16 năm và 27/4 VCCI cũng công bố PCI 2021, tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển.
Chia sẻ về con đường phía trước của VCCI để hướng tới 60 năm ngày thành lập, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, là thành viên uy tín, tích cực của các hiệp hội, các tổ chức thương mại quốc tế.
VCCI định vị mình cần liên kết các hiệp hội (khoảng 700 hiệp hội doanh nghiệp) và hỗ trợ cho các hiệp hội cùng phát triển. Vì thế, VCCI tích cực, chủ động, xây dựng tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng, các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm tăng sức mạnh, phát huy tốt các nguồn lực kinh tế của đất nước.
Hơn nữa, VCCI tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong đó tập trung vào chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải là mục tiêu mà là phương pháp, công cụ để đạt mục tiêu là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt, có sức chống chọi với những biến động của thị trường, tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh.
Vấn đề phát triển bền vững cũng sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ này bằng việc VCCI sẽ tập trung thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Bắt đầu từ nhiệm kỳ này, VCCI sẽ bắt tay vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản, có lý luận, nhiệm vụ, phương pháp cho vấn đề văn hóa kinh doanh.
Hội nhập quốc tế cũng là câu chuyện lớn cần được quan tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh được vị trí ngày càng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, có một môi trường trong lành để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là yếu tố quan trọng đặc biệt. Vì thế, VCCI sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách.
Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư và động lực cho thành lập, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, VCCI đã, đang đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của VCCI xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.