Ngày 19/9, Neuralink cho biết công ty đã vượt qua bài kiểm tra từ một hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành về thần kinh tại Mỹ, qua đó được phép thử nghiệm cấy chip lên não các bệnh nhân bị bại liệt. Những người người bị liệt do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS) đủ điều kiện để đăng ký.
Neuralink hiện chưa tiết lộ số người đã đăng ký. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ một số nhân viên và cựu nhân viên, công ty có thể nhận khoảng 10 bệnh nhân.
Cuộc thử nghiệm cấy chip não đầu tiên của Neuralink sẽ kéo dài 6 năm, có tên gọi “Nghiên cứu PRIME”, nhằm kiểm tra công nghệ hỗ trợ người khuyết tật. Công ty đang tìm kiếm những người bị liệt tứ chi do chấn thương tủy sống hoặc bị ALS (hội chứng xơ cứng teo cơ một bên), trên 22 tuổi và có “người chăm sóc thường xuyên và đáng tin cậy” để tham gia nghiên cứu.
"Nghiên cứu PRIME" thử nghiệm ba thành phần cùng lúc. Đầu tiên là bộ cấy N1, thiết bị chip não của Neuralink. Thứ hai là robot R1, robot phẫu thuật cấy ghép thiết bị. Thứ ba là N1 User App, phần mềm kết nối với N1 và chuyển tín hiệu não thành hành động của máy tính. Neuralink cho biết sẽ kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của cả ba bộ phận của hệ thống.
Theo The Verge, đây không phải là "chiếc máy tính cấy não toàn diện" mà Elon Musk đã nói đến trong nhiều năm. Nhiều năm qua, tỉ phú này nói về tiềm năng của công nghệ chip cấy não và sử dụng Neuralink để giúp con người theo kịp AI (trí tuệ nhân tạo). Hệ thống mà Neuralink dự định thử nghiệm trong "Nghiên cứu PRIME" không thể sánh được với tham vọng đó của Elon Musk.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã thử nghiệm cấy chip vào não cho phép người bị liệt có thể "ra lệnh" cho máy tính và các thiết bị khác. Hai nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy chip não có thể giúp bệnh nhân mắc ALS giao tiếp bằng cách gõ văn bản trên máy tính.
Theo đó, người ta hy vọng rằng thiết bị này sẽ cho phép bệnh nhân bị liệt có thể điều khiển bàn phím hoặc con trỏ máy tính bằng sức mạnh của suy nghĩ.
Mục đích của thử nghiệm trên là để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của giao diện não-máy tính”của Neuralink. Với tên gọi “The Link”, nó là một thiết bị cấy ghép thần kinh được thiết kế để giải mã và kích thích hoạt động của não.
Nếu thành công, công nghệ tiên tiến do Neuralink phát triển sẽ cách mạng hóa nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, truyền thông và tương tác giữa con người với máy tính, cũng như các ứng dụng tiềm năng khác. Chúng có thể giúp đỡ những người mắc chứng rối loạn thoái hóa thần kinh, như bệnh Parkinson hoặc Alzheimer, hay nâng cao khả năng nhận thức và thúc đẩy các phương pháp xử lý thông tin mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng nếu thiết bị của Neuralink được chứng minh là an toàn cho người sử dụng vẫn cần chờ thêm hàng thập kỷ để cấp phép đại trà cho bệnh nhân.
Neuralink không phải là công ty duy nhất chuẩn bị thực hiện các thử nghiệm lâm sàng cấy ghép não trên người. Một trong những đối thủ chính của họ là Paradromics cũng đang tìm kiếm sự chấp thuận của FDA.
Một công ty khác cũng thâm nhập vào ngành công nghiệp giao diện não-máy tính còn non trẻ là Synchron.
Các công ty này đưa ra những sản phẩm khác nhau về kích thước, trọng lượng và hiệu suất của chất bán dẫn cũng như phương pháp phẫu thuật để gắn chúng vào não người. Nhưng tất cả họ đều lạc quan như nhau về những lợi ích trong tương lai mà họ có thể mang lại cho hàng triệu người.