Trong một bài phát biểu nội bộ gần đây được chia sẻ trên diễn đàn nhân sự của Huawei, ông Nhậm Chính Phi thừa nhận rằng mảng điện toán đám mây không phải một thế mạnh của công ty song Huawei cần “thực hiện đột phá.” “Chúng ta không thể chỉ đi theo con đường của Alibaba và Amazon… Họ trường vốn nhờ dòng tiền từ thị trường chứng khoán Mỹ”, ông Nhậm Chính Phi thừa nhận. Hiện tại, Huawei vẫn chưa là một công ty đại chúng.
Alibaba và Amazon đều là các gã khổng lồ công nghệ, sở hữu các mảng kinh doanh trải dài từ thương mại điện tử, streaming, điện toán đám mây… Mặt khác, Huawei chủ yếu tập trung vào viễn thông và smartphone.
Nhậm Chính Phi cho rằng Huawei nên học hỏi từ thành công của Amazon và Microsoft, những công ty dẫn đầu ở mảng điện toán đám mây, bằng cách tập trung vào hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) và nền tảng như một dịch vụ (PaaS). Ở IaaS, khách hàng thường trả một khoảng phí để sử dụng các nguồn lực điện toán như kết nối mạng hay lưu trữ dữ liệu. Trong khi đó, ở PaaS, khách hàng trả phí để sử dụng cả nguồn lực điện toán cũng như hạ tầng lập trình và chuyển giao phần mềm trên Internet.
Vào quý III năm 2020, Alibaba có hơn 40% thị phần ở Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys. Con số này của Huawei và Tencent là xấp xỉ 16%. Huawei đang nỗ lực để tái định hình mô hình kinh doanh của mình trong bối cảnh mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Trong khi Amazon và Microsoft đang dẫn đầu mảng kinh doanh IaaS trên thế giới, Huawei cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ lớn ở Trung Quốc cùng với hai cái tên là Alibaba và Tencent.
Huawei đang chiến đấu để hồi sinh kinh doanh sau khi bị Mỹ tuyên bố là nguy cơ an ninh mạng. Từ giữa năm 2019, công ty bị cấm mua sản phẩm, dịch vụ của Mỹ nếu không được phê duyệt. Mỹ còn ra lệnh các nhà sản xuất chip sử dụng công nghệ Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei.