Tesla và Panasonic đang hủy bỏ mối quan hệ đối tác trong sản xuất pin mặt trời sau nhiều năm vật lộn để tăng sản lượng tại nhà máy Gigafactory 2 của Tesla ở ngoại ô New York, theo Nikkei. Dù cả hai có thể dự định tiếp tục hợp tác sản xuất pin cho ô tô điện, nhưng quyết định mới nhất đã đặt ra trở ngại khác trong mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai bên.
Tesla và Panasonic tuyên bố cùng sản xuất pin mặt trời vào năm 2016. Hãng điện tử Nhật Bản đã đầu tư chi phí cho một phần thiết bị tại Gigafactory 2, nơi bắt đầu sản xuất những bộ phận cốt lõi cho các tấm pin năng lượng mặt trời vào năm 2017.
Việc Panasonic rời khỏi hoạt động sản xuất pin mặt trời của Tesla diễn ra trong bối cảnh tập đoàn của Nhật Bản đang tìm cách tháo chạy khỏi các mảng kinh doanh không sinh lời và tập trung cho việc sản xuất linh kiện và các sản phẩm điện tử tiêu dùng để kéo lại lợi nhuận.
Động thái của Panasonic càng làm gia tăng lo ngại về Tesla trong lúc mảng kinh doanh pin mặt trời. Hoạt động sản xuất pin mặt trời của hãng ô tô Mỹ sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi hãng này mua lại công ty sản xuất pin mặt trời SolarCity tại thành phố Buffalo, bang New York với giá 2,6 tỷ USD vào năm 2016.
Sự rút lui của Panasonic cũng diễn ra trong lúc Tesla có kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung cấp pin mặt trời từ các đối tác khác, gồm công ty hóa chất LG Chem (Hàn Quốc) và công ty công nghệ Contemporary Amperex Technology (Trung Quốc).
Về phần mình, Panasonic hi vọng sẽ cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa dây chuyền sản xuất không được sử dụng hợp lý. Bởi lấn sân sang mảng pin mặt trời, Panasonic vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cung ứng sản phẩm giá rẻ tại châu Á. Hãng sản xuất điện tử của Nhật Bản đã buộc thu hẹp hoạt động mảng pin mặt trời bằng việc bán nhà máy tại Malaysia và nhượng lại một đơn vị nghiên cứu cho công ty GS-Solar của Trung Quốc với mức giá chưa được tiết lộ hồi năm ngoái.