Tiếp nối thành công của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018, diễn đàn năm nay được tổ chức với mục đích tuyên truyền rộng rãi tới các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về việc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cùng với Chương trình hành động của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Đề án chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2019, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit được tổ chức dưới sự đồng bảo trợ và chỉ đạo về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự tham gia phối hợp của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương với chủ đề: “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4”.
Ngày 2/10, Diễn đàn tập trung thảo luận 5 lĩnh vực chính: ngân hàng thông minh, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, năng lượng thông minh và kinh tế số với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các chuyên gia diễn giả hàng đầu về 5 lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, phiên hội thảo chuyên đề về đo thị thông minh (smart city) thu hút được sự quan tâm của đông đảo các lãnh đạo ban ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mở đầu chuyên đề Thành phố thông minh tập trung về chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia”, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đô thị hóa đang trở thành một xu thế chủ đạo, định hình kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa ở những nước đang phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước.
Ở nước ta, hiện có trên 830 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt tốc độ trung bình từ 12 – 15%, gấp 1,5 – 2 lần mặt bằng chung của cả nước. Các đô thị đang là trung tâm của hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời cũng là trung tâm của đổi mới sáng tạo, giáo dục, sản xuất thương mại và hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh. Các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Các địa phương cần phải có nhận thức đúng đắn về đô thị thông minh, cũng như các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công một đô thị thông minh. Điều quan trọng là phải hết sức tránh việc đầu tư dàn trải, làm theo phong trào. Trong triển khai đô thị thông minh, cần quán triệt nguyên tắc xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ tập trung, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính quyền điện tử. Cần coi chính quyền điện tử là nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại. Mục tiêu của Nghị quyết này là thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, hiện đại hóa đất nước.
Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, mục tiêu đề ra là đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Đến năm 2030, Việt Nam phải hình thành chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Chiến lược VNPT-IT đã khái quát ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đô thị thông minh. AI là yếu tố nền tảng để tạo nên sự thành công và phát triển bền vững của đô thị thông minh. Bằng khả năng suy nghĩ và lập luận, học và thích nghi,… công nghệ AI cho phép đưa ra những kết quả phân tích, cảnh báo, dự báo, khuyến nghị gần như theo thời gian thực với mỗi biến đổi của thực tế đời sống đô thị như: Giao thông thông minh; An toàn, an ninh; Du lịch thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế; Nông nghiệp;…
Bên cạnh công nghệ AI, Internet Kết nối vạn vật (IoT) cũng mang đến nhiều hữu ích cho việc phát triển đô thị thông minh. Ông Võ Hồng Hải – Giám Đốc khối Công nghệ thông tin và doanh nghiệp công ty điện tử Samsung Vina đã mang đến phiên thảo luận các sản phẩm và giải pháp màn hình CE của Samsung cho đô thị thông minh.
Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh và nhiều yếu tố thông minh khác. Công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông 4G, 5G, smartphone, big data và hệ thống phân tích sử dụng AI) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Data thu thập từ thành phố thông minh kết hợp với các nguồn dữ liệu khác từ hệ thống Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là trái tim để cung cấp các dịch vụ dưới dạng tích hợp phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Việt – Giám Đốc Công nghệ công ty Hệ thống thông tin FPT.
Hai ngày diễn ra sự kiện với các hoạt động triển lãm đa dạng hứa hẹn đem lại không khí giao lưu, trao đổi, đối thoại sôi nổi và bổ ích cho hơn 4000 quan khách bao gồm khối Chính phủ, các đơn vị cung cấp CNTT, cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới về các giải pháp ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các ngành trọng điểm như IoT, Dữ liệu lớn, AI, Tự động hoá, 5G, Robot, Bảo mật mạng, sản xuất thông minh, ngân hàng thông minh, nông nghiệp thông minh,…