Theo một tài liệu được công bố ngày 21/12, Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu “công nghệ khai thác, chế biến và nấu chảy đất hiếm." Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 90% sản lượng đất hiếm tinh chế của toàn cầu.
Trong khi các nước phương Tây nỗ lực thúc đẩy các hoạt động chế biến đất hiếm, lệnh cấm của Trung Quốc được cho là sẽ có tác động lớn nhất đến "đất hiếm nặng" được sử dụng trong động cơ EV, thiết bị y tế mà Trung Quốc gần như nắm độc quyền.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng trong sản xuất nam châm trong động cơ xe điện (EV), tua-bin gió và thiết bị điện tử.
Bộ Thương mại Trung Quốc vào tháng 12/2022 đã lấy ý kiến công chúng về khả năng đưa công nghệ chế biến đất hiếm vào "Danh mục các công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu."
Trung Quốc đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm và các vật liệu hợp kim cũng như công nghệ liên quan đến nam châm đất hiếm. Một trong những mục tiêu của việc lập ra danh mục trên là để bảo vệ anh ninh quốc gia và lợi ích của người dân.
Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể các quy định hướng dẫn xuất khẩu đối với một số kim loại trong năm nay, khi căng thẳng với Mỹ liên quan đến việc kiểm soát một số khoáng sản quan trọng gia tăng.
Nước này đã ban hành giấy phép xuất khẩu đối với một số vật liệu sản xuất chip là gallium và germanium vào tháng 8/2023, sau khi thực hiện một yêu cầu tương tự đối với một số dạng graphite từ ngày 1/12.
Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã thiết lập vai trò thống trị trong việc khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm, được sử dụng trong quá trình sản xuất hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại từ tua bin gió đến thiết bị quân sự và xe điện.
Các quy định mới tuy không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm, nhưng có thể làm suy yếu sự phát triển của ngành này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đang dần coi việc cung cấp các kim loại này là vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt.
Là một phần trong nỗ lực nhằm giảm bớt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguồn khoáng sản chiến lược, bao gồm cả các nguyên tố đất hiếm, Mỹ gần đây đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm tăng nguồn cung tài nguyên này ở trong nước hoặc từ các quốc gia đồng minh.
Đáp lại, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu gali, germani và than chì.
Cho đến gần đây, bên ngoài biên giới Trung Quốc hầu như không có bất kỳ nhà máy chế biến đất hiếm quy mô lớn tồn tại.
Điều này giúp các công ty nghiên cứu và sản xuất Trung Quốc chiếm được lợi thế đáng kể về công nghệ và kinh nghiệm trong khai thác và chế biến đất hiếm, trong khi trình độ của các quốc gia khác lại rơi vào tình trạng ngày càng giảm sút.