Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa và diệt trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, đặc biệt là nguy cơ châu chấu sa mạc đang hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan tràn sang nước này, theo South China Morning Post.
Khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan ở gần lãnh thổ Trung Quốc được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) xem là điểm nóng toàn cầu về côn trùng gây hại cho mùa màng.
Châu chấu là một trong những loài côn trùng có khả năng phá hoại lớn nhất đối với nông nghiệp. Chúng có thể bay với vận tốc từ 16-19 km/h tùy vào điều kiện gió và di chuyển từ 5-130 km/ngày. Một đàn châu chấu với quy mô hoạt động gần 1 km2 sẽ có từ 40-80 triệu con. Một đàn 40 triệu con châu chấu có khả năng tiêu thụ lương thực ngang với 35.000 người/ngày.
Bắc Kinh không muốn đánh cược với an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt khi ngành nông nghiệp nước này vừa trải qua nhiều khủng hoảng. Các nhà máy tại Trung Quốc đang sản xuất hàng nghìn tấn thuốc có tên “nấm zombie xanh" để giúp các nước châu Phi chống lại đại dịch châu chấu hoành hành và cũng để phòng trường hợp nạn côn trùng này lan đến Trung Quốc. Ngoài nấm, đất nước tỉ dân tự tin còn nhiều công cụ đặc trị khác.
Trong năm 2019, hơn 1 triệu ha đất nông nghiệp tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi sâu keo mùa thu. Ngành chăn nuôi nước này cũng thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi với hơn 440 triệu con lợn bị giết.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng Gà và Vịt vốn là những thiên địch của châu chấu có thể tham ra trợ giúp phần nào.
Theo Phó Giáo sư Yan Xizhong của Đại học Nông nghiệp Sơn Tây: "Gà có thể giúp giảm dịch phần nào. Các loại gia cầm như gà và vịt là thiên địch của châu chấu và có thể chế ngự hiệu quả loài côn trùng này". Đồng thời ông cũng cảnh báo: "Khi có quá nhiều châu chấu, tôi nghĩ sử dụng máy bay để phun thuốc sẽ có hiệu quả hơn".