Ngày 5/12, tại Hà Nội, Công ty Invest Global đã phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất nồi hơi, tua in, cáp viễn thông, động cơ, máy biến thế…
Tham dự buổi gặp mặt có hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và đoàn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử Ấn Độ (IEEMA).
IEEMA là hiệp hội hàng đầu, đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị điện, điện công nghiệp và các thiết bị phụ trợ. Với 900 hội viên gồm các nhà sản xuất các thiết bị trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành phát điện, truyền tải và phân phối, với doanh thu hàng năm đạt trên 50 tỷ USD và xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp 90% các loại thiết bị điện được lắp đặt tại Ấn Độ.
Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - Sandeep Arya, sản xuất điện, điện tử là lĩnh vực quan trọng cho phát triển công nghiệp của hai nước và cũng là lĩnh vực doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác sản xuất, đầu tư. Các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất nồi hơi, tua in, cáp viễn thông, động cơ, máy biến thế…
Tổng giá trị thương mại các mặt hàng điện giữa Ấn Độ - Việt Nam mới đạt hơn 200 triệu USD. Con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng của Ấn Độ cũng như khả năng hợp tác của hai nước. Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực điện, điện tử và các lĩnh vực liên quan như truyền tải điện, phân phối điện…
"Với Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều chương trình trong thời gian tới nhằm hỗ trợ kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, hợp tác và thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực này”, Đại sứ Sandeep Arya nói.
Ông Nguyễn Nội, Phó Tổng giám đốc Invest Global cho hay, về lĩnh vực thiết bị điện, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD, lưới truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD.
Theo quy định pháp luật của Việt Nam, lĩnh vực đầu tư sản xuất sản phẩm điện, điện tử, sản xuất điện, truyền tải điện, thiết bị điện đều không thuộc diện đầu tư có điều kiện. Do vậy nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Ấn Độ có thể đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, hoặc theo hình thức chuyển giao công nghệ, M&A với doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng, với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chắc chắn các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đạt nhiều thành công khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Nguyễn Nội nói.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Vũ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Bộ Công Thương cho rằng, có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ có thể phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Có thể kể đến như các nhà đầu tư Ấn Độ tham gia đầu tư các dự án nguồn điện như điện gió, mặt trời, điện khí…
"Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư như Nhật Bản đã đầu tư các dự án công suất lớn và đã bắt đầu chuyển giao cho Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng trong giai đoạn tới sẽ có thêm các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực nguồn điện", ông Vũ Quang Hùng hy vọng.
Với lợi thế của mình, doanh nghiệp Ấn Độ có thể cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện như lò hơi, tuabin… Tương tự vậy, trong lĩnh vực truyền tải, cũng có thể tham gia cùng doanh nghiệp Việt Nam trong cung cấp thiết bị, hệ thống cáp, thiết bị cho truyền tải điện. Các doanh nghiệp điện tử có thể tham gia trong tự động hóa hoặc cung cấp thiết bị trong xử lý sự cố điện, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp cung cấp, sản xuất điện.