Sự bùng nổ của công nghệ robot tại Trung Quốc đang tạo ra một cuộc cách mạng chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất, khiến gần 300 triệu lao động nước này đối mặt với bài toán sinh tồn: thích nghi hoặc bị thay thế.
Tại nhà máy Zongwei, thành phố Tô Châu, những cánh tay robot hoạt động không ngừng nghỉ trên dây chuyền sản xuất thông minh. Công ty Zongwei không chỉ sản xuất robot mà còn cung cấp hệ thống tự động hóa hiện đại, giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào lao động con người. Đây chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa nhanh chóng.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về số lượng robot công nghiệp được lắp đặt. Năm 2023, quốc gia này chiếm hơn 50% tổng số robot toàn cầu, với hơn 276.000 robot được đưa vào hoạt động. Từ chỗ nhập khẩu robot từ Nhật Bản hay Đức, Trung Quốc giờ đây đã tự sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất thông minh.
Tuy nhiên, làn sóng robot không chỉ mang đến cơ hội mà còn đặt ra thách thức lớn đối với hàng triệu lao động, đặc biệt là nhóm lao động di cư từ nông thôn. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hơn một nửa số lao động di cư chỉ có trình độ học vấn trung học cơ sở, trong khi 14% chỉ tốt nghiệp tiểu học. Đây là nhóm đối tượng dễ bị thay thế nhất khi các nhà máy chuyển sang tự động hóa.
Trước nguy cơ mất việc, nhiều lao động phải tìm hướng đi mới: chuyển sang ngành dịch vụ lương thấp, tham gia đào tạo kỹ thuật, hoặc thậm chí nghỉ hưu sớm. Báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Trung Quốc (NBER) cho thấy, tỷ lệ lao động di cư làm việc trong ngành sản xuất đã giảm từ 28% xuống còn 54% trong ngành dịch vụ vào năm 2023.
"Người lao động buộc phải đưa ra quyết định sống còn: học thêm kỹ năng mới hoặc bị đào thải," Osea Giuntella, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Pittsburgh, nhận định.
Đào tạo là chìa khóa để thích nghi, nhưng các chương trình đào tạo kỹ thuật tại Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Phúc Đán cho thấy, hầu hết các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật tại Trung Quốc thiếu thiết bị hiện đại, khiến sinh viên không thể tiếp cận công nghệ mới nhất.
Để lấp đầy khoảng trống này, nhiều nhà sản xuất robot đã chủ động tổ chức các khóa đào tạo. Tại ABB Robotics China, các viện đào tạo chuyên biệt được thành lập để giảng dạy lập trình và bảo trì máy móc. Jack Xu, Phó tổng giám đốc Zongwei, chia sẻ rằng công ty của ông luôn ưu tiên phát triển phần mềm dễ sử dụng, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian đào tạo cho khách hàng.
Chính phủ Trung Quốc không ngừng thúc đẩy quá trình tự động hóa. Theo kế hoạch của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nước này dự kiến tăng gấp đôi mật độ robot vào năm 2025 so với năm 2020. Với tỷ lệ 322 robot trên 10.000 công nhân trong ngành sản xuất, Trung Quốc hiện đứng thứ 5 toàn cầu, sau Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đức.
Tuy vậy, phía sau sự tăng trưởng ấn tượng này là câu hỏi lớn về tương lai của lực lượng lao động. Liệu hàng triệu công nhân có kịp thích nghi với cuộc cách mạng robot, hay họ sẽ bị bỏ lại phía sau? Trung Quốc đang đứng trước "ngã ba đường" của một cuộc chuyển đổi kinh tế, nơi robot và con người phải tìm cách hòa hợp trong bức tranh sản xuất tương lai.