Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) xác nhận vụ phóng đã thành công ngay trong một tuyên bố sau đó. Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 (Long March-5 Y5) đã được phóng lúc 4h30 phút sáng 24/11 tại Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, mang theo tàu thám hiểm Hằng Nga 5. Tên lửa đẩy đã bay gần 37 phút trước khi đưa tàu vũ trụ Hằng Nga 5 đi theo quỹ đạo đã định.
Tàu thám hiểm Hằng Nga 5 sẽ tìm cách thu thập dữ liệu về Mặt Trăng để giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của nó. Lần phóng này được quyết định sau 4 lần trì hoãn trong 3 năm từ 2017.
Ông Bùi Triều Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Chương trình thăm dò Mặt trăng và không gian vũ trụ thuộc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh, sứ mệnh trên sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ và khoa học của Trung Quốc, đồng thời đặt nền tảng quan trọng cho kế hoạch khám phá không gian vũ trụ bên ngoài khí quyển và sứ mệnh đổ bộ có người lái trong tương lai của nước này.
Theo kế hoạch, tàu Hằng Nga 5 sẽ đáp xuống vị trí ở phía Bắc khu vực lòng chảo lớn nhất, có tên Oceanus Procellarum, trên biển Mặt trăng (hay biển Trăng) thuộc vùng sáng của Mặt trăng. Sau đó, một cặp thiết bị sẽ tách khỏi tàu và thực hiện nhiệm vụ thăm dò, thu thập đất đá trên bề mặt Mặt trăng và chuyển về tàu Hằng Nga. Hoạt động thăm dò và thu thập đất đá này sẽ diễn ra trong 48 giờ đồng hồ và khoảng 2kg mẫu vật sẽ được đưa về Trái đất. Dự kiến, sứ mệnh thám hiểm của tàu Hằng Nga 5 trên sẽ kéo dài trong hơn 20 ngày.
“Những thách thức lớn nhất là công việc lấy mẫu trên bề mặt Mặt Trăng, cất cánh từ bề mặt Mặt Trăng, cập bến đúng vị trí trên quỹ đạo Mặt Trăng, cũng như việc quay lại Trái Đất với tốc độ cao”, ông Bùi Triều Vũ cho hay.
Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa xe thám hiểm robot lên vùng tối của Mặt Trăng. Mục tiêu của nước này là đến khoảng năm 2030 có thể đưa người lên Mặt Trăng.