Đây là mức phạt cao thứ hai mà EU từng đưa ra đối với Qualcomm.
Trong một tuyên bố, EU cho biết cuộc điều tra của họ đã ra phát hiện việc Qualcomm thao túng giá trên thị trường trong giai đoạn từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2011 để trục lợi.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager, chip điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thiết bị di động có thể kết nối với Internet.
Qualcomm đã bán các sản phẩm này ở mức giá thấp - dưới cả chi phí sản xuất - cho hai tập đoàn công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE, cũng là hai khách hàng chiến lược của hãng, nhằm loại bỏ sự cạnh tranh của Icera - đối thủ chính của Qualcomm vào thời điểm đó.
Icera sau đó đã bị công ty công nghệ Nvidia của Mỹ mua lại vào tháng 5/2011.
Án phạt trên là đòn giáng mạnh vào hãng công nghệ khổng lồ này trong bối cảnh Qualcomm đang phải nỗ lực cạnh tranh tại thị trường châu Á và Mỹ.
Tháng 5 vừa qua, một tòa án Mỹ đã ra phán quyết rằng Qualcomm đã kìm hãm sự cạnh tranh và phải đàm phán lại các thỏa thuận về giá cả trong một vụ việc tác động lớn đến thị trường điện thoại thông minh.
Trước đó, vào tháng 1/2018, Qualcomm đã bị EU phạt 997 triệu euro (1,2 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền trong hợp đồng cung cấp độc quyền các sản phẩm của mình cho Apple.
Sau hơn hai năm điều tra, EU cho rằng trong 5 năm từ 2011-2016, Qualcomm đã trả hàng tỷ USD cho Apple để trở thành nhà cung cấp chíp điện tử độc quyền cho hãng công nghệ này.