Ngày 20/9, tại TP HCM, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
Đây là sự kiện khoa học quốc tế thường niên, được tổ chức luân phiên tại ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết thúc đẩy Kinh tế Số được Chính phủ các nước coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa các quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.
Xu hướng trên sẽ mở ra các cơ hội, song cũng đồng thời đặt ra các thách thức trong quá trình phát triển, mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Hội thảo có ý nghĩa lớn đối với ba quốc gia nói riêng và cho sự phát triển kinh tế của khu vực và thế giới nói chung. Qua đó, các kinh nghiệm và thực tiễn sinh động của ba quốc gia, cũng như những luận cứ khoa học, giải pháp và khuyến nghị chính sách sẽ là tham khảo hữu ích cho Việt Nam cũng như Lào, Campuchia trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại, đầu tư thích ứng với bối cảnh Kinh tế Số hiện nay.
Tiến sỹ Sonethanou Thammavong, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào, cho rằng chủ đề Hội thảo hôm nay rất quan trọng; qua đó cho thấy các nước cùng nhau sẵn sàng, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội theo định hướng Chuyển đổi Số.
Hội thảo có ý nghĩa lớn cho ba quốc gia nói riêng và cho sự phát triển kinh tế khu vực và thế giới nói chung.
Qua hội thảo này những kinh nghiệm sinh động của quốc gia cũng như luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách là tham khảo hữu ích cho TP HCM trong thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư thích ứng với bối cảnh kinh tế số hiện nay.
Bên cạnh đó, tiềm năng hợp tác thương mại đầu tư giữa ba nước nói chung và TP HCM nói riêng rất lớn. Song kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng mỗi bên.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa ba quốc gia nói chung và TP HCM sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, là tiền đề mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại đầu tư và phát triển bền vững của các bên.
Với sự đồng chủ trì tổ chức của ba cơ quan nghiên cứu hàng đầu của các quốc gia sẽ có nhiều giải pháp khuyến nghị chính sách quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hoàn thiện thể chế, cơ chế và chính sách tăng cường hoạt động hiệu quả thương mại hợp tác đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia.
Ngày nay, công nghệ, Kinh tế Số đang là chìa khóa quan trọng của sự phát triển của các quốc gia trên thế giới; nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp.
Việt Nam là đối tác lớn thứ ba của Lào sau Thái Lan và Trung Quốc, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia sau Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa ba nước có sự tăng trưởng thiếu ổn định, có xu hướng giảm dần nhất là khi xảy ra dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chưa bền vững. Hàng hóa xuất khẩu của ba nước đều chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường nhập khẩu trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia -Lào - Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, để thúc đầy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, ba quốc gia cần xây dựng, hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng, hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ sản xuất…
Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, không ngừng trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số.