Từ hơn 700 thương hiệu năm 2017, năm 2023, con số này chỉ còn gần 250. Gần như tất cả các thương hiệu đã biến mất đều nằm ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số lượng các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple duy trì trên 30.
Hầu hết các thương hiệu bị đóng cửa đều đến từ các nhà sản xuất địa phương tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi và Nhật Bản. Các thương hiệu nổi tiếng không còn bán bao gồm Micromax, Intex, Karbonn từ Ấn Độ, cũng như Meizu, Coolpad và Gionee từ Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên, Counterpoint Research cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng khiến thiếu hụt lượng lớn linh kiện từ năm 2020. Cùng với đó là xung đột địa chính trị, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái khi lãi suất, lạm phát ngày càng leo thang, đã gây áp lực nặng nề đến nhiều doanh nghiệp, công ty.
Các thương hiệu địa phương còn phải đối phó với nhiều thách thức khác dẫn đến rút lui. Chẳng hạn, mọi người lười nâng cấp điện thoại hơn, thiết bị giá rẻ ngày càng cải thiện chất lượng, người dùng dịch chuyển từ 4G sang 5G, các “ông lớn” chiếm nhiều thị phần hơn.
Một yếu tố khác là điện thoại tân trang (refurbished). Doanh số hàng refurbished tăng trưởng 14% trong năm 2021 so với 5% của hàng mới. Khác biệt càng rõ rệt hơn trong năm 2022 với tỷ lệ tương ứng 5% và -12%.
Nhóm thương hiệu smartphone nội địa chỉ tập trung vào tệp khách hàng tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ tại những khu vực có thị trường phân tán như châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh ngành công nghiệp điện thoại ngày càng phát triển nhanh chóng, các thương hiệu nhỏ đã phải "vật lộn" để theo kịp các thương hiệu lớn trên nhiều khía cạnh. Trong khi các thương hiệu lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo và nâng cao năng lực nhân công thì các thương hiệu nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) để phân phối.
Bên cạnh đó, các sự kiện tiếp thị và quảng cáo lớn, cũng như việc hợp tác với các đại sứ thương hiệu tên tuổi là điều thường các thương hiệu lớn thường làm. Tuy nhiên, hầu hết thương hiệu nhỏ đều thiếu nguồn lực cho hoạt động tiếp thị cũng như hoạt động R&D để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.
Hơn nữa, sự trỗi dậy của các thương hiệu smartphone của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo là một trở ngại lớn cho các thương hiệu nhỏ khi họ giới thiệu những chiếc điện thoại thông minh tốt hơn đáng kể với mức giá hấp dẫn, mang lại cho khách hàng những giá trị tốt hơn so với số tiền họ bỏ ra.
Nằm trong số các thương hiệu gây nuối tiếc nhất khi biến mất là LG. Sau 6 năm thua lỗ gần 4,5 tỷ USD, LG buộc phải đóng cửa bộ phận smartphone vào hai năm trước bất chấp sở hữu không ít thiết bị sáng tạo.
Counterpoint dự đoán sẽ có nhiều cái tên khác phải giải thể theo thời gian, trao thêm quyền lực vào tay những "gã khổng lồ" thế giới. Dù vậy, những thương hiệu nhỏ có thể sống sót khi đi vào ngách, chẳng hạn Doro phục vụ người dùng cao tuổi, còn Fairphone tập trung vào khả năng sửa chữa dễ dàng.