Cụ thể, đến cuối tháng 6, Mỹ có 33,6%, tương đương 13.000 trong số 36.000 công ty AI trên thế giới, trong khi Trung Quốc là nơi có 5.734, hay 16%, số doanh nghiệp. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vương quốc Anh (2.367), Ấn Độ (2.080) và Canada (1.515).
Xét về số lượng kỳ lân AI (công ty vốn hoá từ 1 tỷ USD trở lên), cả thế giới có 291 công ty, trong đó Mỹ và Trung Quốc lần lượt chiếm 131 và 108.
Ông Jiang Li qin, người đứng đầu bộ phận khách hàng và thị trường KPMG Trung Quốc cho biết: "Kể từ khi có sự đột phá của công nghệ học sâu (deep learning) vào năm 2015, một làn sóng thương mại hóa trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu. Song, sự ra đời của ChatGPT vào cuối năm 2022 một lần nữa thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích thương mại trên quy mô lớn".
Trong bối cảnh này, bất kể việc thúc đẩy phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn từ đơn sang đa chế độ, ủng hộ dữ liệu chất lượng cao hay mô hình điện toán mới, đều nhấn mạnh đến sự thay đổi của công nghệ trí tuệ nhân tạo, mở ra sự hợp tác phát triển của cả 3 yếu tố cơ bản gồm thuật toán, dữ liệu và sức mạnh tính toán.
Theo quan điểm của Zhang Qingjie, đối tác quản lý của Dịch vụ tư vấn trao quyền kỹ thuật số KPMG Trung Quốc, điểm “chiến thắng” trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu bao gồm các lĩnh vực cốt lõi như chip và dữ liệu, trong đó việc đổi mới ứng dụng cũng cực kỳ quan trọng.
“Một mặt, những thiếu sót và điểm yếu trong ứng dụng có thể là điểm khởi đầu cho những đột phá về công nghệ; mặt khác, việc ứng dụng thực tế thành công về mặt thương mại sẽ quyết định đến số phận của quá trình công nghiệp hoá suôn sẻ hay không”, Zhang cho biết.
"Công nghệ mô hình lớn sẽ định hình lại hình thức sản xuất và tiêu dùng cơ bản, đồng thời các kịch bản ứng dụng được thể hiện bằng nội dung do AI tạo ra (AIGC), AI cho Khoa học (AI4S) và trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) dự kiến mang lại những cơ hội lớn để thay đổi mô hình”.
Allen Lu, người đứng đầu bộ phận kiểm toán công nghệ, truyền thông và viễn thông của KPMG Trung Quốc, đánh giá “mặc dù đổi mới công nghệ hay ứng dụng trong lĩnh vực AI có thể được coi là tự do cạnh tranh”, song sự cởi mở ngày càng bị hạn chế, do các thuật toán phức tạp và cơ chế “hộp đen” tạo ra sự phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư, thông tin sai lệch hoặc các vấn đề đạo đức, khoa học khác.
Bà Frances Karamouzis, chuyên gia tại Gartner cho biết: "Cơn sốt AI dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này".
Trí tuệ nhân tạo được cho là có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin sẽ tận dụng AI để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu.
Đổi mới ứng dụng trong lĩnh vực AI được xem là tự do cạnh tranh, song sự cởi mở này ngày càng bị hạn chế, do các thuật toán phức tạp và cơ chế "hộp đen" tạo ra sự phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư, thông tin sai lệch hoặc các vấn đề đạo đức, khoa học khác.
Do đó, thời gian gần đây, chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo về khía cạnh đạo đức khi triển khai các giải pháp AI. Hồi tháng 5/2023, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.