Mới đây, Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) vừa công bố một bản báo cáo về tình trạng lừa đảo tại các quốc gia và khu vực thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, số liệu khảo sát cho thấy, người dùng Việt bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi và tin nhắn SMS.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, nhiều quốc gia châu Á đã nỗ lực chuyển hoạt động của nền kinh tế và người dân lên môi trường số. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng đáng kể của hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nơi có tỷ lệ lừa đảo trên mạng cao nhất, với 45% số người được hỏi cho biết họ gặp phải lừa đảo hằng ngày, 26% gặp phải lừa đảo hằng tuần, cao hơn đáng kể so với các khu vực khác.
Tiếp đến là Thái Lan, quốc gia có tần suất lừa đảo cao thứ hai, với 16% người gặp phải lừa đảo hằng ngày và 30% gặp phải lừa đảo hằng tuần. Trong khi đó, tần suất gặp lừa đảo tại Philippines, Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc ở mức tương đối thấp.
Tại Việt Nam, 80,2% người được hỏi cho biết từng bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT. Các nền tảng số như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, trang thương mại điện tử và quảng cáo số cũng trở thành điểm nóng cho các hoạt động lừa đảo. Ở nước này, tỷ lệ rủi ro về lừa đảo mà người dùng phải đối mặt khi sử dụng Facebook* là 71,5%. Tỷ lệ này là 29,5% với Gmail, 28% với Telegram, 12,9% với Google và 12,8% với TikTok.
Bên cạnh đó, các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin tức thì cũng đang trở thành kênh quan trọng. Facebook, WhatsApp, Messenger và Telegram được đặc biệt chỉ ra là các nền tảng liên quan đến mối đe dọa lừa đảo.
"Tỷ lệ rủi ro về lừa đảo mà người dùng phải đối mặt khi sử dụng Facebook là 71,5%. Tỷ lệ này là 29,5% với Gmail, 28% với Telegram, 12,9% với Google và 12,8% với TikTok", báo cáo của GASA cho hay.
Ở tất cả các quốc gia tham gia khảo sát, Facebook luôn nằm trong top 5 nền tảng mà người dùng gặp rủi ro lừa đảo cao nhất, trừ Trung Quốc.
Những kịch bản lừa đảo phổ biến nhất tại Việt Nam là lừa đảo đầu tư tài chính (12.5%), lừa đảo mua sắm (12,3%), đánh cắp dữ liệu (12,2%), lừa đảo việc làm (9%) và lừa đảo từ thiện (4,8%).
Nguyên nhân khiến nạn nhân rơi vào bẫy thường là do không nhận ra các hoạt động lừa đảo, phản ứng quá nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo, thiếu kiến thức, bị lôi kéo bởi các ưu đãi, chấp nhận rủi ro dù không chắc chắn, quá tin tưởng bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Ở Việt Nam, 15,9% nạn nhân cho biết không nhận ra được trò lừa đảo, nhưng có tới 21,9% người trở thành nạn nhân do bị kẻ lừa đảo đánh vào lòng tham bằng những ưu đãi hấp dẫn, khoảng 18% người dùng phản ánh quá nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo.
Đáng nói, trong 11 quốc gia được khảo sát, ở Việt Nam chỉ có 26% người bị lừa đảo báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng, xếp thứ 10 bảng xếp hạng. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do người dùng có tâm lý cho rằng quy trình báo cáo quá phức tạp, việc báo cáo hay không cũng không tạo ra sự khác biệt gì.
Báo cáo của GASA cũng chỉ ra rằng, nhận thức của công chúng Việt Nam về lừa đảo và khả năng nhận biết của họ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lừa đảo. Sự tự tin thái quá trong việc nhận biết lừa đảo có thể dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương hơn. Do đó, GASA nhấn mạnh sự cần thiết phải luôn nghi ngờ và xác minh thông tin của người dùng.
Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho cả Chính phủ và doanh nghiệp tại Việt Nam phải đầu tư vào các biện pháp phòng chống gian lận, đặc biệt tập trung vào giáo dục kỹ thuật số và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.
Sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các nhóm dân sự là quan trọng trong việc thiết lập các khung pháp lý và công nghệ mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.