Đây là một phần trong những động thái nhằm đẩy mạnh các hoạt động quốc tế của cha đẻ chatbot ChatGPT trong chiến lược toàn cầu hóa của công ty.
Trụ sở ở Nhật Bản sẽ là trụ sở đầu tiên của OpenAI ở châu Á. Đây cũng sẽ là địa điểm quốc tế thứ ba sau khi công ty mở văn phòng tại London và Dublin vào năm 2023.
Động thái trên diễn ra tròn một năm sau khi CEO OpenAI Sam Altman gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tháng 4/2023. Khi đó, Altman đề nghị mở văn phòng tại đây, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với chính phủ Nhật Bản để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn của người sử dụng.
Cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Kishida và CEO Altman diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tăng cường các quy định về việc sử dụng ChatGPT do nghi OpenAI thu thập trái phép lượng lớn dữ liệu cá nhân từ người dùng, gây tổn hại đến quyền riêng tư. Ông Altman mong muốn được trao đổi quan điểm với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu về công nghệ AI và ChatGPT của công ty.
Tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục đang nỗ lực xây dựng các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác trong trường học do lo ngại về ảnh hưởng của những chatbot này đối với kỹ năng viết và tư duy của học sinh, sinh viên.
Theo các nguồn tin, OpenAI có thể sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ khách hàng, thông qua văn phòng ở Tokyo. Công ty cũng đang tuyển dụng các tài năng công nghệ tại địa phương cho văn phòng mới.
OpenAI đã tạo ra một làn gió mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sau khi công bố ChatGPT vào tháng 11/2022. Công ty khởi nghiệp ở San Francisco này đang trong quá trình đàm phán để huy động vốn với mức định giá ít nhất 100 tỷ USD cho văn phòng ở Nhật Bản. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó.
Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận khi các giáo viên lo ngại rằng học sinh, sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này để gian lận khi làm bài thi, còn các nhà hoạch định chính sách lo ngại nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về các vấn đề kỹ thuật số vào cuối tháng 4 này. Nhiều khả năng, những rủi ro của AI là một trong những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.