Kể từ tháng 11/2022, OpenAI, đơn vị sản xuất ChatGPT, lần đầu tiên ra mắt Chatbot tới công chúng, đã có rất nhiều thay đổi trong thế giới công nghệ.
ChatGPT là hiện thân của rất nhiều kiến thức, bao gồm cả vấn đề kinh doanh lẫn địa chính trị. Nó có thể thảo luận một cách thuyết phục về việc khai thác khoáng sản ở Papua New Guinea, hay về một công ty bán dẫn của Đài Loan (TSMC).
AI đang phát triển quá nhanh nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy quá nguy hiểm. Chỉ trong vài năm qua, trí tuệ nhân tạo đã tiến bộ vượt bậc và có khả năng làm nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Có phải AI đang phát triển vượt tầm kiểm soát của con người?
Cuối tháng 3 vừa qua, một tài liệu đã được Viện Tương lai của Cuộc sống phát hành trực tuyến có tiêu đề “Tạm dừng các thí nghiệm AI khổng lồ: Thư ngỏ”. Tài liệu đưa ra các lập luận tiêu cực về sự phát triển của AI vượt hơn cả trí thông minh của GPT-4, phiên bản trí tuệ nhân tạo mới nhất của OpenAI.
Trong bức thư có viết: “Các hệ thống AI có trí thông minh cạnh tranh với con người có thể gây ra những nguy cơ sâu sắc cho xã hội và nhân loại” và “các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng ta tin tưởng rằng tác động của chúng sẽ tích cực và nguy cơ của chúng sẽ có thể quản lý được.”
Một số người nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ bao gồm cả Steve Wozniak và Elon Musk đã ký vào bức thư trên, thể hiện đồng tình tạm dừng phát triển AI. Sự việc này đã đặt ra câu hỏi về việc AI đang trở nên nguy hiểm như thế nào và có thể gây ra những nguy cơ gì cho cuộc sống con người.
Công ty khởi nghiệp OpenAI mới đây đã phát hành mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ hơn có tên gọi GPT-4, tạo tiền đề để những công nghệ có tư duy giống con người ngày càng phát triển. Đây được coi là “cánh cổng” để bước vào sự nghiệp luật và y khoa ở Mỹ. Ứng dụng này thậm chí còn có thể tạo ra các bài hát, bài thơ và bài tiểu luận. Các mô hình AI sáng tạo tương tự như vậy có khả năng tạo ra ảnh kỹ thuật số, bản vẽ và hoạt hình.
GPT-4 chính là một dạng AI mang tên Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), được sử dụng để khám phá các sắc thái của ngôn ngữ tự nhiên, cải thiện khả năng hiểu và tạo văn bản của máy cũng như tự động hóa các tác vụ như nhận dạng giọng nói và dịch máy.
Nhiều “gã khổng lồ” công nghệ như Alphabet, Amazon và Nvidia đều đã đào tạo mô hình LLM của riêng mình, chẳng hạn như Palm, Megatron, Titan và Chinchilla.
Tuy nhiên, một số cường quốc trên thế giới cũng bắt đầu lo lắng về mối đe dọa hiện hữu do AI tạo ra. Các chính phủ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều cân nhắc các quy định mới để kiểm soát tầm ảnh hưởng của AI. Người ta lo rằng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo quá nhanh sẽ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và gây tổn hại, thậm chí là hủy diệt xã hội loài người.
Sự bùng nổ của phần mềm AI bắt đầu vào đầu những năm 2010, khi một kỹ thuật phần mềm có tên là “Deep learning” (học sâu) trở nên phổ biến, kết nối bộ dữ liệu khổng lồ và mạng máy tính, cải thiện đáng kể khả năng nhận dạng hình ảnh, xử lý âm thanh và trò chơi điện tử.
Dần dần, các mạng trí tuệ nhân tạo có xu hướng được nhúng trong phần mềm có chức năng rộng hơn, chẳng hạn như ứng dụng email và những người không phải là lập trình viên hiếm khi tương tác trực tiếp với những mạng này. Các trò chơi ảo được hình thành và “trợ lý ảo” còn có thể thắng cả những người chơi giỏi nhất. Và điều này đã được chứng minh khi Lee Sedol, một trong những kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế giới, đã thua cuộc trong một ván cờ trên ứng dụng phần mềm AlphaGo của Alphabet vào năm 2016.
Một trong những lợi ích lớn nhất của máy móc là giúp đơn giản hóa công việc, nhưng sự tiện lợi này rất dễ khiến cho con người trở nên lười biếng. Trong một số trường hợp, điều đó đã thực sự xảy ra.
Lấy ChatGPT làm ví dụ. Chúng ta có thể sử dụng công cụ chatbot AI này để làm nhiều việc như viết bài luận, nghiên cứu chủ đề, sáng tác truyện cười, dịch văn bản, v.v. Thật tuyệt vời khi có một trợ lý ảo giúp thực hiện mọi việc một cách nhanh chóng như vậy, nhưng nó cũng khiến chúng ta cảm thấy tự mãn, làm giảm tinh thần nỗ lực và sáng tạo của con người. Điều này có thể tác động tiêu cực đến toàn thể nhân loại và đó là lý do chính khiến nhiều người lo ngại về AI.
Chúng ta đã quá quen với các công cụ AI trong thời đại ngày nay và tin tưởng chúng trong nhiều trường hợp. Ví dụ như trợ lý ảo Cortana của Microsoft sử dụng công nghệ máy học và AI để thực hiện yêu cầu của người dùng. Nhiều trợ lý ảo khác bao gồm cả Siri của Apple cũng được tích hợp AI để hoạt động. Tuy nhiên tin tưởng vào AI có thể là con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi công nghệ mới này vẫn đang trong giai đoạn phát triển chưa hoàn thiện thì không thể biết trước được điều gì.
Không thể phủ nhận tiềm năng rất lớn của trí tuệ nhân tạo, nhưng chúng phải được khai thác một cách hợp lý để tránh hậu quả vượt khỏi tầm kiểm soát. Thực tế đã có trường hợp AI bị lợi dụng vào mục đích xấu và không thể lường trước vấn đề này sẽ nghiêm trọng đến mức nào nếu tiếp tục phát triển như hiện nay. AI sẽ trở thành phép màu hay thảm họa trong thế giới của chúng ta, điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta phản ứng ngay bây giờ.