Ngày 4/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng: Cập nhật các quy định xuất khẩu đối với hàng điện tử đi các thị trường Âu - Mỹ”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất đóng vị trí then chốt trong nền kinh tế, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của quốc gia và có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặt hàng điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tận dụng hơn nữa các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu, bên cạnh đó cung cấp thông tin thực tiễn và khuyến nghị hữu ích đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điện tử, tạo tiền đề để mặt hàng điện tử Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trên thế giới.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, ngành điện tử Việt Nam trong năm 2023 đạt giá trị xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, chiếm một phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các sản phẩm điện tử chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Âu-Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường Âu-Mỹ, đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm điện tử không đơn giản chỉ là một giao dịch mua bán thông thường, mà còn liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng và các quy định về môi trường.
Tại buổi hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia đã đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế thế giới năm 2024-2025. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm trong giai đoạn 2024-2025. Các yếu tố chính tác động đến sự giảm tốc này bao gồm lãi suất cao hơn từ các ngân hàng trung ương, tình hình chiến tranh và bất ổn chính trị, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine và tình hình căng thẳng Mỹ - Trung khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như các biện pháp bảo hộ thương mại gia tăng, sẽ tạo ra các mối nguy hại đối với tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể đạt khoảng 2,5%-3%, với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng.
Lạm phát sẽ tiếp tục là vấn đề lớn trong giai đoạn 2024-2025, mặc dù nhiều quốc gia đã có các biện pháp kiềm chế, nhưng lạm phát vẫn ở mức cao tại một số khu vực, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng euro. Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), có thể duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các dòng vốn đầu tư.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ tình hình lạm phát, lãi suất, thể chế chậm ban hành, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm khiến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư bị ảnh hưởng,.... Tuy nhiên, các xu hướng công nghệ như Internet of Things (IoT), 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và các thiết bị điện tử thông minh đang phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội này để phát triển các sản phẩm điện tử mới, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, tỷ giá ổn định. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy trong ngành điện tử. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc,...
Từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, ông Cấn Văn Lực đã đưa ra mô hình 6R giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh:
- Respond (thích ứng với xu hướng, bối cảnh mới)
- Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt)
- Re-invent (đối mới, sáng tạo, thích nghi; bao gồm cả thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng “chuyển đổi số” nhiều hơn)
- Restructure (cơ cấu lại tổ chức - bộ máy, hoạt động, tài chính, sản phẩm .... để trở nên hiệu quả hơn)
- Resilience (tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài)
- Risk management (tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều bất định)
Các doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ (kết nối doanh nghiệp/chuỗi) cùng Chính phủ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh. Đa dạng hóa: thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tín chỉ carbon. Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa... Chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới (AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng...v.v.) và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (gồm cả bán dẫn); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.
Các thị trường lớn như Mỹ và EU có những quy định rất nghiêm ngặt đối với hàng điện tử nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng là những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý. Ông Michael Hack - Tổng thư ký Hiệp hội Brom quốc tế và TS. Klaus Rothenbacher – Cố vấn pháp lý của BSEF đã chia sẻ những quy định của EU, Hoa Kỳ và Canada đối với chất chống cháy brom sử dụng trong hàng điện tử tới các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này.
Các quy định của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada đối với chất chống cháy brom (hoặc các hợp chất brom) sử dụng trong hàng điện tử đang có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Sự thay đổi này chủ yếu tập trung vào các tiêu chuẩn an toàn môi trường và sức khỏe, nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với con người và môi trường do các hóa chất có tính chất gây hại. Cùng với đó, những động thái từ các cơ quan quản lý quốc tế đang ngày càng siết chặt việc sử dụng các hợp chất brom trong các sản phẩm điện tử.
Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chiến lược Hóa chất vì sự bền vững (CSS) nhằm xử lý các hóa chất độc hại. Trong khuôn khổ CSS, Liên minh châu Âu đã triển khai nhiều sáng kiến quan trọng, đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với hóa chất trong suốt vòng đời của chúng. Vì vậy, các bên cũng đã tập trung đánh giá tác động của một số hoá chất tới khả năng tái chế các sản phẩm cụ thể. Quy định Thiết kế Sinh thái cho Sản phẩm Bền vững (ESPR) được ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và theo hướng kinh tế tuần hoàn, bên cạnh đó, quy định còn nhằm xác định sự hiện diện của các chất đáng lo ngại có thể cản trở quá trình tái chế và tính tuần hoàn của sản phẩm. Quy định này có thể dẫn đến việc hạn chế sử dụng một số hóa chất thông qua Quy định quản lý hóa chất châu Âu (REACH) và Quy định quản lý Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs)
Tại Hoa Kỳ, sự gia tăng các quy định hóa chất khác nhau và trong một số trường hợp còn mâu thuẫn, đang tạo ra thách thức cho các nhà sản xuất và đơn vị phân phối, đặc biệt với những bên có sản phẩm và chuỗi cung ứng phức tạp. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với thiết kế sản phẩm, an toàn, hiệu suất, đổi mới và tính bền vững.
Ông Lê Đình Thắng – Đại diện TUV SUV tại Việt Nam cũng có những chia sẻ từ câu chuyện thực tế, bài học thực chiến giúp doanh nghiệp điện tử Việt Nam vượt qua được những thách thức khi tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ các thị trường xuất khẩu. Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe này, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần chủ động cập nhật các quy định về xuất khẩu, đầu tư vào việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp.
Đặc biệt, các chuyên gia tại buổi hội thảo đã giải đáp trực tiếp những câu hỏi từ phía doanh nghiệp liên quan đến những cơ hội, thách thức khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng điện tử và ưu nhược điểm của những hiệp định thương mại đã được ký kết dưới sự điều phối của bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
Ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn khi mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Âu-Mỹ. Việc cập nhật và tuân thủ các quy định xuất khẩu là một yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp điện tử Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự chủ động trong việc đáp ứng các yêu cầu chất lượng, an toàn sản phẩm và quy trình hải quan sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp điện tử Việt Nam nắm bắt cơ hội, khẳng định vị thế và gia tăng sức cạnh tranh trong môi trường quốc tế.