Các máy bỏ phiếu trong bầu cử Mỹ phải do Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử Liên bang (EAC) phê duyệt, được kiểm soát chặt chẽ về mặt vật lý và ngắt mọi kết nối không dây nhằm đảm bảo tính bảo mật.
Theo tổ chức Verified Voting, cơ quan thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm trong các cuộc bầu cử, năm nay, khoảng 25,1% cử tri Mỹ sẽ sử dụng thiết bị đánh dấu phiếu bầu (BMD), 5% sử dụng hệ thống ghi điện tử trực tiếp (DRE) và 69,9% sẽ bầu cử bằng phiếu viết tay. Trong cả ba hình thức, các thiết bị điện tử đều được sử dụng để hỗ trợ quy trình bỏ phiếu và kiểm phiếu.
An ninh và độ chính xác của các thiết bị này đã từng gây tranh cãi trong một số cuộc bầu cử. Trong một buổi phát biểu tại bang Pennsylvania, tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ Donald Trump, đã nêu lo ngại về độ tin cậy của máy tính trong bầu cử, nhấn mạnh rằng “quá dễ bị hack."
Sau cuộc bầu cử năm 2020 mà ông Joe Biden giành chiến thắng, những công ty sản xuất máy bầu cử như Clear Ballot, Dominion Voting Systems đã trở thành tâm điểm của nhiều giả thuyết về gian lận. Dù vậy, công ty kiểm toán Cyber Ninjas, từng đưa ra kết quả chống lại Clear Ballot, sau đó đã phải đóng cửa do bị đánh giá thiếu uy tín. Đài Fox News cũng phải đền bù gần 800 triệu USD cho Dominion vì phát tán thông tin sai lệch.
Theo các chuyên gia, gian lận phiếu bầu thông qua hack máy bỏ phiếu là điều khó xảy ra, nhờ quy trình kiểm định nghiêm ngặt và sự cô lập tuyệt đối về kết nối.
Để được sử dụng, máy bỏ phiếu phải trải qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt từ EAC. Hiện tại, chỉ có sáu công ty được chứng nhận, trong đó phổ biến là Clear Ballot, Dominion và ES&S. Các thiết bị phải đáp ứng khoảng 1.000 yêu cầu, từ các bài kiểm tra lỗi cho đến chức năng bảo mật. Quy trình này có thể kéo dài đến 18 tháng cho một thiết bị mới.
Các thiết bị bỏ phiếu cũng được kiểm soát chặt chẽ về mặt vật lý. Trước ngày bầu cử và sau khi kết thúc bỏ phiếu, máy được cất giữ ở nơi an toàn và chỉ cho phép nhân viên có thẩm quyền ra vào. Tại các điểm bầu cử, chúng được giám sát liên tục bởi các quan chức và nhân viên an ninh.
Để chống lại nguy cơ bị hack, máy bỏ phiếu còn được ngắt hoàn toàn kết nối không dây. Theo Trowbridge, Giám đốc công nghệ của Clear Ballot, "Các hệ thống này hoàn toàn không có kết nối mạng. Nếu nhìn vào máy của Clear Ballot, sợi dây duy nhất ra khỏi máy là dây nguồn."
Trong kỳ bầu cử 2024, phiếu giấy và máy quét quang học sẽ là phương thức kiểm phiếu chính, với thao tác tương tự như quét bài trắc nghiệm. Người dùng sẽ chọn ứng viên bằng cách tô vào ô bên cạnh tên trên phiếu và sau đó đưa vào máy quét.
Ngoài ra, còn có hai phương thức điện tử khác: Thiết bị đánh dấu phiếu bầu (BMD) và hệ thống điện tử ghi trực tiếp (DRE). Với BMD, cử tri chọn ứng viên trên màn hình, sau đó máy sẽ in phiếu đã chọn. Cách này ban đầu dành cho cử tri khuyết tật nhưng nay trở nên phổ biến hơn. Hệ thống DRE lưu trữ trực tiếp lựa chọn của cử tri vào bộ nhớ máy, tuy nhiên ít được sử dụng hơn do thiếu bản sao giấy để kiểm tra.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, vẫn không có hệ thống nào hoàn toàn miễn nhiễm với nguy cơ tấn công. Phần lớn sự cố bảo mật đến từ yếu tố con người, như trong trường hợp một quan chức tại Colorado năm 2020 từng bị phát hiện truy cập trái phép vào hệ thống bầu cử.
"Mặc dù không có hệ thống nào hoàn toàn miễn nhiễm với các mối đe dọa, các máy bỏ phiếu của Mỹ được bảo vệ bằng hàng loạt biện pháp kỹ thuật và thủ tục để giảm thiểu tối đa rủi ro," theo đánh giá của ABCNews.