Solar Airship One được trang bị một lớp pin mặt trời khổng lồ, với tổng diện tích lên đến 4.800 m², giúp nó có thể hoạt động mà không cần đến nhiên liệu hóa thạch. Chiếc máy bay dài 151 mét này sẽ chở 3 thành viên phi hành đoàn bay qua 25 quốc gia, 2 đại dương và nhiều vùng biển khác nhau trong vòng chưa đầy 4 tuần, tổng quãng đường dự kiến lên tới hơn 40.000 km.
Với thiết kế thông minh, Solar Airship One không chỉ có vỏ bọc kép giúp ổn định áp suất và điều chỉnh nhiệt độ bên trong, mà còn sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện, từ đó tạo ra khí hydro thông qua quá trình điện phân nước. Điều này giúp phương tiện duy trì độ cao trung bình 6.000 mét và hoạt động liên tục mà không phát thải khí carbon.
Ông Mike Dwyer, đối tác phát triển dự án tại Capgemini, cho biết: "Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên mới với chiếc máy bay này, nơi việc giảm thiểu khí thải là ưu tiên hàng đầu. Solar Airship One không chỉ là một phương tiện bay, mà còn là minh chứng cho khả năng của công nghệ động cơ đẩy với tác động khí thải bằng 0."
Để tăng cường tính độc lập cho máy bay, các nhà phát triển đã thiết kế hệ thống dằn sử dụng nước và hệ thống phụ trợ bằng khí nén, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng cồng kềnh trên mặt đất.
Solar Airship One là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, cùng với 3 năm hợp tác thiết kế với 100 kỹ sư của Capgemini. Dự kiến, đội bay sẽ liên lạc thường xuyên với các chính phủ, viện quốc tế và trường học ở các quốc gia họ bay qua, và công ty sẽ xin cấp phép hoạt động đầy đủ cho phương tiện sau hành trình vòng quanh thế giới.
Chiếc máy bay này không chỉ mở ra triển vọng mới cho ngành hàng không, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc phát triển các giải pháp di chuyển bền vững và thân thiện với môi trường.