Để tạo sự phát triển bền vững cho cao nguyên Mộc Châu, vào ngày 23/7/2004, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 32/2004/NQ-HĐND về việc “Phê chuẩn Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”. Ngay sau đó, vào ngày 18/8/2004, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2302/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”;…
Các Nghị quyết, Quyết định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng, giữ vai trò là “cú huých” trong định hướng chính sách, để từ đó chính quyền và nhân dân huyện Mộc Châu từng bước tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Mộc Châu đã đạt thành tựu đáng khích lệ. Thành quả lớn nhất chính là thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị và phần lớn người dân về việc sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế. Kế đến là huyện đã xây dựng được thành công thương hiệu một số loại nông sản, như: Sữa Mộc Châu, quả Bơ Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Mộc Châu... Các thương hiệu này được người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng.
Không những thế, các mô hình ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, giúp nhiều người dân làm giàu ngay trên mảnh đất Mộc Châu. Minh chứng cho điều này là vào năm 2019, huyện Mộc Châu đã xuất khẩu được gần 3.300 tấn nông sản, tổng giá trị trên 8 triệu USD, bao gồm: Chanh leo, chè các loại, rau an toàn, xoài, mận và một số sản phẩm nông sản khác. Hiện nay, huyện Mộc Châu tập trung hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; duy trì các thị trường xuất khẩu như: EU, Trung Quốc, Trung đông, Australia...
Được biết, trên địa bàn huyện hiện có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 30 ha nhà lưới, nhà kính, gần 60 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel và 35 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn. Hiện tại, huyện Mộc Châu có 286 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP… Đây là những điều kiện bảo đảm để Mộc Châu trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công công nghệ cao của tỉnh Sơn La theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Từ đây, nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của Mộc Châu sẽ tạo nên sức bật mới, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.