Thông tin trên được ghi nhận được tại cuộc tọa đàm vừa diễn ra gần đây do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp với các đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng thương mại Hoa Kỳ, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp FDI có lưu lượng xuất nhập khẩu lớn... nhằm đánh giá khả năng tác động đối với sản xuất kinh doanh của ngành hàng khi các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn; đánh giá khả năng tác động đối với hoạt động xuất khẩu của ngành hàng sang Trung Quốc và các thị trường khác; các vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành hàng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp để đưa ra các giải pháp trình lên chính phủ.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp của nhiều ngành nghề đã liệt kê những khó khăn mà các doanh nghiệp cùng đang phải đối mặt như:
- Vấn đề tâm lý: rất lo lắng về dịch bệnh không biết diễn biến thế nào nên không mạnh dạn đầu tư.
- Thiếu về nguyên liệu đầu vào: đa phần chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất đến hết tháng 2 do khó khăn khi hàng hóa xuất nhập khẩu khó thông quan. Mặt khác, thị trường đã xuất hiện sự đầu cơ tích trữ hàng nên cầu thị trường vượt quá cung làm giá nguyên liệu tăng cao cùng với sự khan hiếm giả tạo.
- Nhóm dịch vụ nhà hàng du lịch doanh thu giảm, nhân công sợ không dám đi làm...
Bên cạnh đó là một ý kiến rất đặc biệt được thông báo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đại diện của Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tố cáo các doanh nghiệp của họ đã bị nhân viên hải quan Việt Nam lợi dụng các yêu cầu về kiểm dịch để sách nhiễu, gây nhiều khó khăn và họ đã phải đút lót thì hàng hóa mới được thông quan. Vị đại diện này cũng tha thiết đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình lên Chính phủ để có giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hiện tượng trên.
Trước đó Ngày 05/02/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 808/VPCP-KTTH về việc hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, trong đó thông báo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng: “Việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm công tác phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh qua biên giới (gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không) nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh”.
Tuy nhiên công văn này của Chính Phủ có thể đã bị một số cán bộ ngành Hải quan lợi dụng để trục lợi cá nhân cho họ. Nếu những phản ánh của doanh nghiệp là đúng, Chính phủ cần có những biện pháp tức thì để ngăn chặn hiện tượng trên tránh gây ra những dư luận xấu trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay. Bởi nhẽ, dịch bệnh virus Corona có tác động ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Lắng nghe ý kiến phải ánh của đại diện các doanh nghiệp, Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, tổng kết các vấn đề và đưa ra những giải pháp trình lên chính phủ.
Những giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp:
- Cần cơ cấu lại các khoản nợ và thuế để có thể miễn, giảm, giãn nợ và thuế cho doanh nghiệp.
- Đối với ngành du lịch: cần cắt giảm phí visa hoặc thêm thời gian.
- Các chính sách hỗ trợ tiền điện nước để giảm chi phí sản xuất, đầu vào cho doanh nghiệp.
- Cần kiểm soát chặt hơn nữa nguồn lao động qua biên giới không theo chính ngạch.
- Cần ngăn chặn và xử lý kịp thời nạn nhũng nhiễu trục lợi của các cán bộ Hải quan lợi dụng dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp để nhận tiền hối lộ.
“Đây là cơ hội tốt để kinh tế Việt Nam nhìn nhận lại khả năng của mình, đánh giá sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài để có kế hoạch xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ tăng khả năng chống chịu và khả năng thích ứng”, ông Dũng nói. “Trước mắt, trong tháng 2/2020, các doanh nghiệp Việt vẫn có đủ nguyên liệu dự trữ cho hoạt động sản xuất. Nhưng sang tháng 3 khi nguyên liệu hết thì tình hình trở nên rất phức tạp. Sản xuất bị ngừng trệ và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”.