Theo Bloomberg ngày 14/8, Facebook cho biết họ đã dừng hành động nghe lén này từ “hơn một tuần trước”, đồng thời giải thích việc thuê đối tác là để kiểm tra xem các cuộc hội thoại ẩn danh có được chuyển thể chính xác hay không.
Từ năm 2015, Facebook Messenger cung cấp tính năng nhắn tin bằng giọng nói (audio clip), sau đó hệ thống tự động nhận diện và chuyển sang dạng văn bản (text) để cả người gửi lẫn người nhận đều có thể đọc được. Facebook cho biết chỉ những ai chọn kích hoạt tính năng chuyển thể này thì các đoạn audio clip của họ mới bị nghe lại. Tuy nhiên, vấn đề là trang hỗ trợ Facebook hay các điều khoản dịch vụ nói hệ thống của họ tự động xử lý và phân tích nội dung cũng như các bối cảnh liên quan và không đề cập đến việc thuê người xem xét các nội dung này. Theo lời kể của những người này, họ được giao cho công việc diễn giải, phân tích các đoạn ghi âm mà không hề biết âm thanh này được ghi lại ở đâu, hay thu được như thế nào.
Về phía Facebook, mạng xã hội này cũng thừa nhận từng có hoạt động nghe và diễn giải các đoạn hội thoại nhưng có kèm theo sự cho phép của người dùng. Facebook cũng nêu rõ rằng hoạt động này hiện đã chấm dứt khoảng một tuần trước. Trước đó, Facebook vừa phải trả một khoản phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ USD cho Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ vì lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.
Apple, Google, Amazon và Microsoft cũng bị phát hiện thuê đối tác hoặc sử dụng nhân viên nghe lén các cuộc trò chuyện của người dùng với trợ lý ảo. Tất cả đều thừa nhận, nhưng giải thích là để cải thiện khả năng nhận diện giọng nói của trợ lý ảo, nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, các hãng lại không hề thông báo cho người dùng về hành vi này, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư.