Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng hình thức kinh doanh của Facebook và Google đang mâu thuẫn với nhân quyền, và vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dùng. "Facebook và Google đang giám sát hàng tỷ người trên thế giới một cách liên tục, từ đó đe dọa quyền con người và biểu hiện tự do", đại diện Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết. "Các hãng công nghệ này cần thay đổi mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu của người dùng".
Internet là một phần cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của mọi người trên toàn thế giới. 5 công ty công nghệ lớn nhất thế giới được gọi là nhóm "Big Five", bao gồm Apple, Amazon, Google, Microsoft và Facebook đang thống trị hầu hết dịch vụ trực tuyến đồng thời kiểm soát và nắm giữ các thông tin của người dùng.
Báo cáo cho thấy, Google kiểm soát tới 90% lượng sử dụng công cụ tìm kiếm trên toàn thế giới, Facebook sở hữu 1/3 dân số toàn cầu sử dụng mạng xã hội của họ. "Hàng tỷ người không có lựa chọn nào khác ngoài việc truy cập vào hệ sinh thái của Google và Facebook và làm theo các quy định trong đó", Kumi Naidoo, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Facebook đang bị chính phủ Mỹ điều tra vì vi phạm quyền riêng tư và thu thập dữ liệu trái phép để thao túng bầu cử. Trong khi đó, Google cũng đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi về chính sách thu thập dữ liệu của họ. Ngoài ra, cả hai cũng bị lên án về sự độc quyền vi phạm luật cạnh tranh trong kinh doanh.
Tổ chức Ân xá Quốc tế tỏ ra lo ngại rằng, Google và Facebook đã trở nên quá lớn và chiếm lĩnh thị trường internet gần như tuyệt đối. Người dùng có thể đã biết mình bị giám sát nhưng vẫn phải tham gia vào sử dụng dịch vụ của họ vì lợi ích công nghệ.
"Đây không phải là sự tự nguyện. Các công ty đã làm cho mọi người bị phụ thuộc và mắc kẹt trong đó. Giờ đây, mọi tin nhắn hay các hành động tìm kiếm đều bị giám sát", Naidoo nói. "Hoặc là chúng ta phải phục tùng 2 nền tảng giám sát toàn diện này, hoặc từ bỏ sử dụng internet".
Trong một email gửi The Verge, phát ngôn viên của Google nhấn mạnh công ty đang cố gắng cung cấp nhiều quyền kiểm soát dữ liệu cho người dùng hơn.
“Google được mọi người tin tưởng để gửi thông tin cá nhân và chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ thông tin đó”, Google nói. “Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã có những thay đổi quan trọng bằng việc xây dựng các công cụ mới để cung cấp cho mọi người quyền kiểm soát thông tin cá nhân nhiều hơn”.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty không đồng ý với đánh giá này. “Tổ chức Ân xá Quốc tế vẫn đang chạy quảng cáo trên nền tảng Facebook của chúng tôi để thực hiện các hoạt động của họ như quyên góp tiền và phát triển công việc”.
Sau cùng, Tổ chức Ân xá Quốc tế đề xuất giải pháp tốt nhất hiện nay là Facebook và Google nên thay đổi mô hình kinh doanh. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân để kiếm tiền thông qua quảng cáo phải cho người dùng biết thông tin của họ sử dụng cho mục đích gì, và có thể phải trả tiền để được sử dụng dữ liệu. Ngoài ra, tổ chức phi chính phủ này cũng kêu gọi các chính phủ thông qua luật bảo mật dữ liệu mới và thực thi những luật đang có.