Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) cho biết, tính đến ngày 8/4, đã phát hiện 150 trường hợp ngộ độc salmonella được xác nhận hoặc có khả năng xảy ra, với hầu hết các trường hợp ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Các chuyên gia của ECDC cho biết “cần có các cuộc điều tra thêm tại địa điểm sản xuất ở Arlon (Bỉ), để xác định nguyên nhân gốc rễ, thời gian và các yếu tố có thể có đằng sau sự việc nhiễm khuẩn lần này”.
Theo ECDC, Kinder, thuộc sở hữu của công ty Ý Ferrero, đã phát hiện thấy vi khuẩn Salmonella Typhimurium trong bể chứa sữa bơ tại địa điểm Arlon trong quá trình kiểm tra của chính nhà sản xuất vào tháng 12/2021.
Công ty đã “thực hiện một số biện pháp vệ sinh và tăng cường lấy mẫu và thử nghiệm các sản phẩm cũng như môi trường chế biến” - tuyên bố của ECDC tiếp tục.
Sau khi các mẫu được báo cáo là âm tính với vi khuẩn salmonella, Kinder đã phân phối sản phẩm trên khắp châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
Ferrero đã xin lỗi người tiêu dùng trong một tuyên bố, thừa nhận "có sự làm việc kém hiệu quả trong nội bộ, gây ra sự chậm trễ trong việc truy xuất và chia sẻ thông tin". Công ty này cũng cho biết sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để bảo toàn niềm tin và sự tin cậy của người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, ngày 5/4, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, lấy mẫu kiểm nghiệm kẹo trứng chocolate Kinder Surprise bán trên thị trường. Đến ngày 8/4, Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả rà soát và kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm trứng chocolate Kinder Surprise nhập khẩu bán tại Việt Nam "không bị nhiễm khuẩn".
Tuy nhiên, hiện ngoài dòng sản phẩm Kinder Surprise, tập đoàn Ferrero đã mở rộng diện cảnh báo và thu hồi thêm nhiều chủng loại, sản phẩm trứng chocolate tại một số nước châu Âu, Australia và New Zealand, như Kinder Mini Eggs, Kinder Schokobons, Kinder Mix... nên Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng diện rà soát các mặt hàng này tại Việt Nam.