Mối quan tâm đến AI là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với chất bán dẫn của Nvidia.
Những máy tính lớn cung cấp các sản phẩm AI như ChatGPT. Chúng vận hành trên GPU chuyên dụng. Và theo dữ liệu từ New Street Research, Nvidia chiếm 95% thị phần đó.
Mới đây, 4 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã đặt mua GPU của Nvidia với tổng trị giá 5 tỷ USD. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ hạn chế quyền tiếp cận của họ với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Elon Musk cũng là một người khao khát chip bán dẫn. Theo Insider, ông đã mua hàng nghìn con chip cho dự án xAI. Chính vị tỷ phú cũng xác nhận: “Twitter (nay là X) và Tesla chắc chắn sẽ mua GPU” cùng lúc.
Dấu hiệu rõ nét nhất thể hiện nhu cầu về chip của Nvidia tăng vọt có thể là khi hãng công bố báo cáo doanh thu quý 2 xuất sắc, vượt 50% kỳ vọng của Phố Wall. Kết quả đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng 24% trong phiên ngày 25/5, tăng tổng giá trị vốn hoá thị trường của gã khổng lồ công nghệ thêm 190 tỷ USD chỉ trong 1 ngày.
ChatGPT là hệ thống chatbot trí tuệ nhân tạo đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt vào cuối năm ngoái. Song, một số dấu hiệu cho thấy Nvidia có thể không sản xuất kịp GPU để đáp ứng nhu cầu. CEO Adam Selipsky của Amazon Web Services cho biết ít nhất là trong ngắn hạn, cầu đang vượt xa cung, đặc biệt là với chip H100 cao cấp cần thiết để đào tạo các mô hình AI. Trong khi đó, CEO Matthew Prince của Cloudflare thừa nhận rằng có rất nhiều hạn chế trong việc mua H100. Một số khác dự đoán chip này có thể hết hàng vào năm sau.
Được đặt theo tên của nhà khoa học máy tính Grace Hopper, đây là con chip tí hon cực kỳ đắt tiền trị giá 40.000 USD (tương đương 959 triệu đồng) , có tên chính thức là GPU H100 Tensor Core do tập đoàn Nvidia phát triển. Đây được đánh giá là một trong những sản phẩm hấp dẫn của gã khổng lồ này. Chip H100 đang được hàng loạt công ty công nghệ lớn săn đón.
Lý do giải thích cho cơn sốt loại chip này nằm ở việc đây là bộ xử lý có khả năng thúc đẩy cuộc cách mạng AI tạo sinh, cung cấp cho các mô hình ngôn ngữ lớn (như ChatGPT) sức mạnh tính toán cần thiết để xử lý hàng tỷ thông số định hình đầu ra.
Không có H100, sự phát triển của các mô hình AI sẽ có nguy cơ bị đình trệ. Điều này giải thích tại sao thế giới công nghệ đang diễn ra một cuộc chạy đua điên cuồng để nắm giữ H100 trong bối cảnh mối đe dọa thiếu hụt nguồn cung thúc đẩy các đại gia công nghệ hành động.
Diễn biến mới nhất trong cơn sốt này đến từ vùng Vịnh khi Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tranh giành để sở hữu bộ vi xử lý của Nvidia. Theo Financial Times, họ đang mua hàng nghìn đơn vị H100 nhằm mục tiêu đẩy mạnh tham vọng AI.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, nơi AI đang là xu hướng toàn cầu, việc thiếu nguồn cung các loại chip GPU đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm mạnh về tiềm lực tài chính lo ngại về rủi ro các startup họ đầu tư vào bị tụt lại phía sau nếu không mua vào với số lượng lớn.
Tháng 4, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã mua khoảng 10.000 chip GPU như một phần trong nỗ lực tập trung vào AI của ông để biến X thành một siêu ứng dụng. Sau đó, Musk cũng đã công bố công ty AI của riêng mình với tên gọi xAI, để cạnh tranh với OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT).
Những động thái trên đã càng nhấn mạnh thêm giá trị của các loại chip như H100 đối với lĩnh vực AI. ChatGPT của OpenAI đã trở thành gương mặt đại diện cho thời đại AI mới kể từ khi ra mắt, nhưng bộ vi xử lý của Nvidia – động lực chính giúp công ty đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào tháng 5 – lại có khả năng mang đến sức mạnh mà ChatGPT chưa có được.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định cuộc chiến để sở hữu những con chip như H100 sẽ trở nên điên cuồng hơn chứ không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuần trước, Nvidia đã tiết lộ phiên bản thế hệ tiếp theo của H100, có tên là GH200, dự kiến ra mắt vào quý II năm sau.