Đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Hiện, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng.
Đối mặt với những thách thức chưa từng có, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất - đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các doanh nghiệp.
Theo các báo cáo đầu tư, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trở lại và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm dự kiến thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam, tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại. Khi các rào cản từ đại dịch Covid-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh các hoạt động thường niên, Diễn đàn Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ là sự kiện tiêu điểm tiền Triển lãm công nghiệp quốc tế VME (Vietnam Manufacturing Expo) dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 12/8/2022.
Cùng với đó, Lễ ký kết Dự án Cộng đồng sáng kiến doanh nghiệp (Business Innovation Zone) trực thuộc triển lãm có sự tham gia của nhiều đối tác. "Chúng tôi tin tưởng rằng, VME năm nay sẽ mang đến các chương trình kết nối kinh doanh hữu ích trên tinh thần “kinh doanh du kích trong thời đại số” trong và sau đại dịch, đặc biệt với nhiều hoạt động mới như: Lễ Vinh danh doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và những chuyến tham quan nhà máy hướng đến chủ đề Sản xuất tinh gọn”, ông Phan Quang Vinh, Giám đốc Truyền thông Tiếp Thị, RX Tradex chia sẻ.
Đối tác Ký kết thỏa thuận hợp tác trong Dự án Cộng đồng sáng kiến doanh nghiệp 2022, Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Tự động hóa Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Chuyển đổi số là xu hướng được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tiến đến quá trình tự động hóa dây chuyền sản xuất trong nhà máy”
Tại diễn đàn, Tổng Thư ký Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình chia sẻ: “Chưa có lúc nào cơ hội cho công nghiệp chế tạo Việt Nam lại nhiều như bây giờ, khách đi tìm người hỗ trợ nhiều như bây giờ, nhưng chỉ sợ Việt Nam chúng ta chưa đáp ứng được về chất lượng. Chúng tôi hy vọng với nỗ lực của ban tổ chức triển lãm, cùng nhau thay đổi diện mạo công nghiệp chế tạo Việt Nam, nắm được cơ hội sau chương trình này”.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết: “Trải qua 02 năm đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều liên hệ đối tác khách hàng, rất nhiều doanh nghiệp mong chờ triển lãm trực tiếp từ 10-12/8 sắp tới để mở rộng đơn hàng. Sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bao giờ cao như thế 7,2% , trong đó đóng góp của điện tử Việt Nam khá lớn, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành chế biến chế tạo, tiếp tục là ngành xuất khẩu dẫn đầu, giá trị xuất siêu cao, góp phần cân bằng cán cân thương mại. Với những gián đoạn trong đại dịch Covid-19 như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, chi phí logisctics, vận tải, gặp gỡ khách hàng khó khăn, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp điện tử của chúng ta phục hồi và phát triển”.
Đặc biệt, phần hai của Diễn đàn còn có phần cập nhật công nghệ đến từ Delta, nhà tư vấn và cung cấp giải pháp toàn cầu (trụ sở chính đặt tại Đài Loan) về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn và hiệu quả thiết thực.
Ông Huỳnh Trung Hiếu - Đại diện Deltachia sẻ:“Sau đại dịch, ngành sản xuất Việt Nam thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về IoT, robot, tiết kiệm năng lượng, chất lượng điện ... để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Đối với Delta, đây là cơ hội để hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện năng suất với hệ sinh thái hoàn chỉnh về cả phần cứng và phần mềm thông qua công nghệ tự động hóa tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh”.
Bên cạnh Delta, để có thể đạt được sự tinh gọn trong sản xuất, độ bền cũng như độ tin cậy về các cấu kiện công nghiệp trong dây chuyền quản lý/sản xuất là một trong những yếu tố thiết yếu.
Diễn đàn được tiếp nối phần cập nhật từ tập đoàn CKD (trụ sở chính tại Nhật), giới thiệu những sản phẩm góp phần không nhỏ trong quá trình hoàn thiện “sản xuất tinh gọn” đối với các đối tác trên toàn cầu.
Kết thúc Diễn đàn là phần chia sẻ về Hoạt động Chuyến đi tham quan nhà máy vào ngày 30/06 tại Công ty Autotech, một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đang dần hoàn thiện quá trình tiến đến “Nhà máy tinh gọn” tại Việt Nam.