Công ty ASML, một trong những nhà sản xuất thiết bị quang khắc hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc do tác động từ lệnh cấm xuất khẩu bán dẫn của Mỹ.
Vào ngày 16/10, ASML vô tình để lộ báo cáo tài chính trước thời hạn, điều này đã làm dấy lên những lo ngại về tình hình kinh doanh của công ty trong bối cảnh khốc liệt của ngành công nghiệp chip toàn cầu. Dù doanh thu của ASML đạt 7,5 tỷ euro (tương đương 8,15 tỷ USD), nhưng đơn đặt hàng lại chỉ đạt 2,6 tỷ euro (2,83 tỷ USD), thấp hơn rất nhiều so với ước tính 5,6 tỷ euro từ Sàn chứng khoán London (LSEG). Tình hình này khiến nhiều chuyên gia dự đoán rằng báo cáo tài chính này có thể "gây chấn động" toàn ngành.
Giám đốc tài chính Roger Dassen của ASML cho biết doanh thu từ Trung Quốc có khả năng sẽ giảm trong năm tới, một phần là do các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ. "Chúng ta đều đã đọc các bài báo và thấy nhiều đồn đoán xung quanh kiểm soát xuất khẩu, điều này khiến chúng tôi phải thận trọng hơn về doanh số bán hàng tại Trung Quốc," ông nói.
Với việc ASML phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để mang lại 29% doanh thu, việc cấm xuất khẩu đã khiến công ty mất đi một nguồn thu nhập quan trọng. Trong bối cảnh các khách hàng Trung Quốc gấp rút mua máy DUV trước khi các hạn chế được áp dụng, doanh số bán hàng đã tăng mạnh trong ba quý đầu năm, nhưng dự báo cho tương lai lại không mấy sáng sủa.
Theo nhận định của phó giáo sư Chris Miller tại trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với ASML, bất chấp việc hãng không còn được phép bán hàng trực tiếp. Ông dự đoán công ty sẽ vẫn có nguồn doanh thu đáng kể thông qua các kênh nhập khẩu gián tiếp.
Các nhà phân tích tại Bank of America cảnh báo rằng ASML đang đối mặt với "sự suy giảm mạnh mẽ" từ Trung Quốc, với doanh thu có thể "dần về 0." Abishur Prakash, người sáng lập công ty tư vấn The Geopolitical Business, cũng đồng tình khi cho rằng doanh thu của ASML sẽ giảm mạnh khi công ty bị hạn chế bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc ngày càng tự chủ hơn trong việc sản xuất thiết bị.
Tình hình khó khăn này đã khiến vốn hóa của ASML bốc hơi hơn 50 tỷ USD. Hiện tại, công ty vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về những vấn đề này. Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu nhiều áp lực, ASML sẽ cần phải tìm ra những hướng đi mới để khôi phục vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.