Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, nước này sẽ quyết tâm loại bỏ các linh kiện xuất xứ Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông 5G nếu điều đó tốt nhất cho an ninh quốc gia.
Bà Faeser nói rằng chi phí cao không phải là lý do để không xem xét thay thế những linh kiện của những nhà cung cấp Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE trong mạng lưới 5G. “Chúng tôi sẽ ngăn chặn các thiết bị Trung Quốc nếu chúng gây ra nguy cơ bảo mật lớn”, người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức cho hay. “Các công ty viễn thông sẽ phải hành động và tháo dỡ tất cả các linh kiện”.
Không giống như nhiều nước châu Âu khác, dù gặp phải sức ép từ phía Mỹ yêu cầu loại bỏ các công ty cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông Trung Quốc, đến nay Đức vẫn né tránh việc đưa ra lệnh cấm trực tiếp nhằm vào công nghệ 5G của Huawei. Thay vào đó, Berlin yêu cầu tất cả những linh kiện được sử dụng trong “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu” phải được dán nhãn kiểm duyệt của nhà chức trách.
Trước đó, Bộ Nội vụ Đức đã kiểm tra tất cả các linh kiện của Trung Quốc được lắp đặt trong mạng 5G của nước này.
3 ưu tiên lớn nhất trong cuộc kiểm tra là xác định rủi ro, ngăn chặn nguy cơ và tránh sự phụ thuộc. Bà Faeser khẳng định: “Việc kiểm tra này đặc biệt cần thiết đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi.”
Đức cũng đã cân nhắc việc cấm lắp đặt một số thành phần nhất định từ hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc trong các mạng viễn thông của nước này.
Đây được xem là một động thái quan trọng nhằm giải quyết các mối lo ngại về an ninh.
Chính phủ Đức lo ngại các phần mềm gián điệp có thể được nhúng vào hệ thống viễn thông để phục vụ mục đích nghe lén hoặc truyền dữ liệu trái phép.
Bộ Nội vụ Đức là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra mạng lưới 5G quốc gia để xác định có bao nhiêu thành phần do Huawei và ZTE cung cấp. Ông Faeser cho hay, mặc dù quá trình thống kê vẫn chưa hoàn tất, song nguy cơ từ những linh kiện Trung Quốc “đã được biết đến từ lâu”.
“Các cơ quan bảo mật của chúng tôi đã liên tục phát đi cảnh báo về sự phụ thuộc một chiều và tôi cho rằng các nhà cung cấp mạng lưới cũng đã được cho đủ thời gian để điều chỉnh việc này”, quan chức Berlin khẳng định.
Năm 2021, Đức đã thông qua luật bảo mật công nghệ thông tin, đặt ra những rào cản lớn đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, nhưng không cấm Huawei và ZTE như nhiều quốc gia khác.
Một báo cáo gần đây cho biết các nhà khai thác viễn thông Đức đã tránh sử dụng công nghệ của Huawei cho các mạng lõi.
Dù vậy, Đức hiện vẫn phụ thuộc công ty này ở mảng thiết bị mạng truy cập vô tuyến (RAN) 5G.
Năm 2020, Cơ quan quản lý viễn thông của Thụy Điển PTS cấm các công ty Trung Quốc triển khai 5G, đã cho phép các nhà khai thác viễn thông tham gia đấu giá 5G cho đến ngày 1/1/2025 để loại bỏ thiết bị từ Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng và các chức năng cốt lõi của họ.
Trong khi đó, Anh muốn các công ty viễn thông loại bỏ thiết bị và dịch vụ Huawei trong các chức năng mạng cốt lõi trước ngày 31/12/2023.
Hạn chót để loại bỏ tất cả các thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào cuối năm 2027 vẫn không thay đổi.