Thời gian qua, Top 7 ngân hàng đã xây dựng bộ đệm vững chắc về nội lực, thiết lập đà tăng trưởng bền vững, mở rộng về quy mô vốn, duy trì các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Đà tăng trưởng bền vững là điểm nổi bật của các doanh nghiệp trong danh sách Top 50 của Forbes. Trong 5 năm qua (2016 - 2021), tổng lợi nhuận trước thuế của Top 7 ngân hàng này đã tăng gấp 3 lần, từ 30 nghìn tỷ đồng lên 100 nghìn tỷ đồng. Vietcombank liên tục dẫn đầu về quy mô lợi nhuận trong nhiều năm, trong khi VIB dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng trưởng kép đạt 63%/năm trong 5 năm liền.
ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) trung bình của Top 7 nhà băng này đang ở mức 20%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 8%-10% của các ngân hàng trong khu vực. Trong đó, VIB dẫn đầu với ROE 30% cùng danh mục cho vay bán lẻ đạt gần 90%.
Cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Thu nhập từ phí tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm qua giúp đóng góp tỷ trọng lớn hơn vào tổng thu nhập của ngân hàng. Trong Top 7 ngân hàng, VIB đứng đầu về tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ, trong 4 quý gần nhất, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ chiếm tới khoảng 18% tổng doanh thu hoạt động của ngân hàng. Trong khi các ngân hàng còn lại có tỷ lệ đóng góp từ thu dịch vụ dao động trung bình ở khoảng 11-12%.
Ngân hàng bán lẻ đang là xu hướng chung của ngành ngân hàng, trong 5 năm qua, top 7 ngân hàng đều có những bước chuyển đổi nhất định thể hiện qua tốc độ tăng trưởng bán lẻ trung bình đều trên 20%, trong khi tăng trưởng tín dụng trung bình của ngành chỉ ở mức 14%.
Trong đó, VIB với tốc độ tăng trưởng bán lẻ trong 5 năm đạt tới 44%, gần gấp đôi so với trung bình các ngân hàng còn lại. Vietcombank là đại diện tiêu biểu trong khối ngân hàng có vốn nhà nước trọng yếu khi giữ tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, ngân hàng bán lẻ tiếp tục là động lực chính của ngành ngân hàng Việt Nam với nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng, cải thiện hiệu suất sinh lời và hiệu quả hoạt động.
Tại Hội nghị chuyển đổi số ngành ngân hàng diễn ra sáng 4/8, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu với 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% vào năm 2025.
6 trong số 7 ngân hàng niêm yết tiêu biểu đã đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số trong nhiều năm và nằm trong top dẫn đầu, với tỷ lệ giao dịch qua ngân hàng số chiếm đến trên 90% trên tổng số giao dịch.
Các ngân hàng niêm yết top đầu cũng là nhóm những ngân hàng năng động trong việc ra mắt các sản phẩm dịch vụ với tính năng vượt trội dành cho khách hàng, đặc biệt thị trường thẻ với nhiều tiềm năng và được các ngân hàng chú trọng để đẩy mạnh những năm qua.
Một trong những điểm nổi bật là top 7 ngân hàng đều có chất lượng danh mục tín dụng chất lượng cao và an toàn với tỷ lệ nợ xấu được quản trị dưới 2%. Về chi phí tín dụng, có 2 ngân hàng kiểm soát dưới 1% trong nhiều năm qua là VIB và ACB so với trung bình thị trường ở mức 1,5% - 2,0%.
Bức tranh của ngành ngân hàng sẽ còn nhiều thay đổi tích cực và bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ vào chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại để ra mắt các sản phẩm dịch vụ nổi trội, ưu việt và hướng đến khách hàng. Trong bối cảnh đó, cơ hội sẽ rộng mở cho những ngân hàng niêm yết top đầu hướng đến tăng trưởng bền vững, có chiến lược và khả năng thực thi chiến lược sắc nét, phát triển mạnh mẽ nguồn lực con người, vốn và công nghệ, cũng như không ngừng học hỏi để cải tiến và nâng cao tiềm lực giúp quá trình chuyển đổi thành công.