Dù khi ra mắt, Huawei cho biết Harmony OS bước đầu chỉ tập trung vào các thiết bị tiêu dùng như TV, trong vài năm nữa mới tiến đến máy tính và smartphone, tuy nhiên, CEO và nhà sáng lập Huawei là ông Nhậm Chính Phi đang rất tự tin vào hệ điều hành này.
Trước đây, Huawei đã ra mắt một thiết bị chạy hệ điều hành Harmony OS, đó là Honor Vision TV. Tuy nhiên chiếc smartphone flagship mới nhất của Huawei là Mate 30 và Mate 30 Pro lại vẫn chạy hệ điều hành Android, mặc dù không phải phiên bản chính thức và không có dịch vụ của Google, cũng như kho ứng dụng Play Store.
Cụ thể, ông Nhậm đã đưa ra một tuyên bố táo bạo trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, cho rằng HarmonyOS, sẽ có thể cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu như Apple, trong vòng 2-3 năm tới.
“Tôi nghĩ rằng sẽ mất ít hơn 2 đến 3 năm. Vì tôi là một phần trong ban lãnh đạo của công ty, tôi cần cẩn trọng hơn khi thảo luận về các mốc thời gian. Nếu không, tôi có thể sẽ gây áp lực quá lớn cho nhân viên của Huawei”.
Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng tiếp tục được làm việc với Google và đưa Harmony OS lên smartphone chỉ là phương án cuối cùng:
“Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tiếp tục sử dụng hệ điều hành của Google và vẫn giữ mối quan hệ hợp tác tốt với Google. Chúng tôi cần phải tiếp tục cải tiến phần mềm và có phần còn yếu trong mảng kiến trúc phần mềm".
Để hỗ trợ điều này, chúng tôi cảm thấy cần có một hệ điều hành với các khả năng đa nền tảng được tăng cường. Chúng ta cần một hệ điều hành hỗ trợ tất cả các kịch bản, có thể được sử dụng trên một loạt các thiết bị và nền tảng, và có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về độ trễ thấp và bảo mật mạnh mẽ".
Thành công của HarmonyOS sẽ phụ thuộc vào một hệ sinh thái các ứng dụng và nhà phát triển năng động. Để khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn, Huawei sẽ phát hành HarmonyOS như một nền tảng nguồn mở trên toàn thế giới. Huawei cũng sẽ thiết lập một nền tảng nguồn mở và một cộng đồng nguồn mở để hỗ trợ cộng tác sâu hơn với các nhà phát triển.
Trung Quốc là nơi có hệ sinh thái ứng dụng mạnh mẽ và lượng người dùng khổng lồ. Trong thời gian tới, Huawei sẽ đặt nền móng cho HarmonyOS tại thị trường Trung Quốc, và sau đó mở rộng hơn nữa sang hệ sinh thái toàn cầu.
Ngoài ra, ông Nhậm cũng phản ánh một thực tế là Huawei đang giảm 10 tỷ USD doanh thu trong bán hàng bởi các sản phẩm smartphone của hãng không thể truy cập vào các dịch vụ của Google. Ngay sau đó, công ty đã công bố tổng doanh thu là 401,3 tỷ nhân dân tệ (58,3 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2019, cao hơn 23,2% so với năm trước.
Nhìn chung, Huawei có vẻ rất tự tin về hệ điều hành tự phát triển của mình. Họ hoàn toàn có đủ nguồn lực để thực hiện lời hứa, tuy nhiên cuộc hành trình không hề dễ dàng và chúng ta phải chờ xem tương lai của Huawei sẽ ra sao.