Vừa qua, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tập đoàn Meta chính thức được phát động tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, đây là chương trình thường niên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN). InnovateVN được khởi xướng bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó NIC phối hợp cùng các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới.
Sáng kiến hướng đến hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030 cũng như góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại các cơ quan trung ương và địa phương.
Chia sẻ về mục tiêu chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là chương trình chiến lược để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các đối tác trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượng".
Với chủ đề “Đổi mới mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 đề cập đến xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp đầu chuỗi lớn trong nước mua linh kiện, vật tư và hàng hoá trung gian khác từ các doanh nghiệp nội địa thay vì nhập khẩu đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam, giúp tăng trưởng kinh doanh, mở rộng xuất khẩu, gia tăng việc làm và dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Đặc biệt, với mong muốn thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, Chương trình sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào 4 vấn đề, bao gồm:
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới;
Thứ hai, tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước;
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu;
Thứ tư, tăng cường liên kết và hiệu quả đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, ông Charlie Winston - Chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Meta đã đưa ra 8 giải pháp đổi mới sáng tạo được khuyến khích tại Việt Nam gồm Quản trị số; Nền tảng số, không gian số; Đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân sự trong doanh nghiệp; Tăng trải nghiệm người dùng, cải tiến và số hóa sản phẩm; Kết nối thông tin từ chính phủ; Thực hiện hợp đồng minh bạch và phù hợp pháp lý; Quản trị dữ liệu chuyên môn hóa; Nâng cao chất lượng dữ liệu.
Bên cạnh đó, chương trình cũng kêu gọi giải pháp và sáng kiến từ các tổ chức, cá nhân tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau các vòng tuyển chọn, 12 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được tham dự buổi Lễ vinh danh Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam vào tháng 4/2023.