Kế hoạch sẽ siết chặt phạm vi các quốc gia được tiếp cận chip tiên tiến hay công cụ sản xuất chip. Những công ty muốn xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc hoặc các khu vực bị hạn chế khác sẽ phải thông báo cho Chính phủ Mỹ.
Mỹ cũng lên kế hoạch mở rộng danh sách thiết bị sản xuất chất bán dẫn bị hạn chế. Các loại chip dành cho sản phẩm tiêu dùng như thiết bị chơi game, điện thoại thông minh sẽ không bị hạn chế, nhưng các công ty vẫn phải thông báo với cơ quan chức năng về những đơn hàng chip lớn.
Cùng với đó, Mỹ cũng bổ sung thêm 2 công ty Trung Quốc là Biren Technology và Moore Threads vào danh sách các đơn vị bị cấm xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, các biện pháp mới này nhằm lấp "lỗ hổng" trong quy định công bố hồi tháng 10 năm ngoái và nhiều khả năng các quy định này sẽ được cập nhật hằng năm.
Bà Gina Raimondo khẳng định Washington không tìm cách làm tổn thương Bắc Kinh về mặt kinh tế, mà mục tiêu của Mỹ khi đưa ra kế hoạch này là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn có thể thúc đẩy những đột phá trong lĩnh vực AI và các máy tính phức tạp đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng quân sự.
Intel và AMD cũng sẽ bị ảnh hưởng vì lệnh cấm có thể cản trở việc bán và xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Bộ trưởng Gina Raimondo cho biết hạn chế mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ xuất khẩu chip sang Trung Quốc. "Thực tế là Trung Quốc, ngay cả sau khi cập nhật quy định này, vẫn sẽ nhập khẩu hàng trăm tỷ USD chất bán dẫn từ Mỹ", bà Raimondo nói thêm.
Tuy nhiên, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn của Mỹ cho rằng, các biện pháp kiểm soát đơn phương quá rộng có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn của Mỹ mà không thúc đẩy an ninh quốc gia vì chúng khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm nơi khác.
Từ phía ngược lại, các công ty Trung Quốc được cho là đang nỗ lực để lấy lại vị thế trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Ngày 17/10, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc - Baidu tuyên bố mô hình chatbot mới của họ mạnh tương đương với ChatGPT-4 của OpenAI. Hay như Huawei đã đạt bước tiến lớn trong tự chủ chip.
Mỹ và Trung Quốc đã có một năm dài xung đột trong lĩnh vực công nghệ và những hạn chế sâu rộng trong quy định được Mỹ ban hành hồi tháng 10 năm ngoái đã khiến căng thẳng leo thang hơn nữa giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.