Dù có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tương đối tốt, bao gồm phạm vi phủ sóng internet rộng khắp đem lại nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi số. Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của UNDP năm 2019, mức độ chấp nhận của người dân đối với các dịch vụ trực tuyến quan trọng trên các cổng thông tin điện tử của các tỉnh chỉ đạt dưới 4%. Tại thủ đô Hà Nội, điểm PAPI cho tiêu chí thủ tục hành chính công đạt 7,17/10, cung ứng dịch vụ công đạt 6,87/10, trong khi quản trị điện tử chỉ đạt 2,92/10.
Chính phủ Việt Nam cấp cao nhất đã cam kết chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển hệ sinh thái chính phủ điện tử để hiện đại hóa nền hành chính và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tập trung vào 3 trụ cột; Chính phủ điện tử, Kinh tế điện tử và Xã hội điện tử. Chương trình này bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm đưa 80% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến vào năm 2025.
Theo Bộ Nội vụ, Việt Nam có 23,3 triệu thanh niên (năm 2018), chiếm gần 25% dân số. Với mục tiêu huy động tiềm năng sáng tạo của thanh niên Việt Nam và sức mạnh của công nghệ, cuộc thi “Thử thách Công dân Số 2021 - Youth Digital Citizen Challenge 2021” khuyến khích thanh niên “Phát triển bộ giải pháp gồm sản phẩm hoặc dịch vụ có ứng dụng công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Hà Nội”.
Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và sự tham gia vào công tác quản trị công của thanh niên, thông qua việc nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác đa phương và áp dụng các sáng kiến của thanh niên trong việc xây dựng một chính phủ điện tử hiệu quả. Cuộc thi cũng đồng thời tạo ra đối thoại đa phương giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Các sáng kiến trong cuộc thi nếu đạt chất lượng sẽ được triển khai thí điểm tại Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Bà Diana Torres, Phó đại diện thường trú lâm thời của UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: “Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (E-Government Development Index – EGDI), từ năm 2014 đến năm 2020, Việt Nam từ vị trí thứ 99 đã vươn lên vị trí thứ 86 trong số 193 quốc gia thành viên. Điều này cho thấy nỗ lực không ngừng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI) được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, sẽ cần nhiều nỗ lực để đảm bảo người dân sẽ tham gia và sử dụng hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi này. UNDP cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng một nền tảng số bao trùm và lấy con người làm trung tâm. Thử thách Công dân số là một trong những hoạt động hướng đến việc thu hút người trẻ Việt Nam xây dựng những giải pháp và dịch vụ công nghệ mới. Người trẻ Việt Nam, những người có khả năng, trí tuệ, sự sáng tạo, và tinh thần cống hiến, sẽ đóng góp tối đa vào quá trình phát triển đất nước, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.”
Ông Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đơn vị đồng tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Với sự nhiệt huyết, cam kết và những ý tưởng đột phá, người trẻ là động lực chính của sự thay đổi, tạo ra các giải pháp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SGDs). Tuy nhiên, sự tham gia của thanh niên tại Việt Nam vào công tác quản trị nhà nước còn thấp. Cần có thêm những sự hỗ trợ giúp thanh niên nâng cao năng lực cũng như có không gian để tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan đến quản trị nhà nước. Đây chính là động lực để Thành đoàn Hà Nội phối hợp với UNDP tổ chức cuộc thi này.”
Thử thách Công dân số 2021 chào đón thí sinh là sinh viên, lập trình viên, nhà thiết kế, nhà khởi nghiệp, v.v. từ 18 - 30 tuổi tại Việt Nam, không giới hạn vị trí địa lý, dân tộc, có ý tưởng và khả năng trong mảng công nghệ thông tin, truyền thông, khởi nghiệp, hoặc các lĩnh vực thuộc đề bài của cuộc thi (Dịch vụ hành chính công, Giáo dục, Y tế, Hỗ trợ doanh nghiệp, Tài nguyên và môi trường). Đây là cơ hội để các thí sinh học hỏi, thể hiện sức sáng tạo và tạo ra những ý tưởng đột phá, đóng góp vào hành trình chuyển đổi số của quốc gia.