TikTok, công ty thuộc Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) đặt mục tiêu tận dụng thị trường phát trực tuyến (streaming-service) 150 triệu người dùng Mỹ cùng các video viral trên nền tảng để nhảy vào cuộc chơi thương mại điện tử tại đây.
Nền tảng chia sẻ video thông báo họ sẽ đưa dịch vụ TikTok Shop, đã có sẵn ở châu Á và các khu vực khác, đến với người dùng tại Mỹ. Đây là một phần nỗ lực của công ty mẹ ByteDance cố gắng đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, thay vì phụ thuộc vào doanh thu chính là quảng cáo.
Dịch vụ này cung cấp cho người dùng các video giới thiệu về sản phẩm được đề xuất phù hợp với họ và cho phép mua hàng trực tiếp qua video. Các thương hiệu cũng có thể quảng bá và bán sản phẩm thông qua các livestream.
Dự kiến TikTok Shop có thể được kết nối với các nền tảng thương mại điện tử khác ở khu vực Bắc Mỹ, chẳng hạn như Shopify của Canada, vốn đang phổ biến với những nhà bán lẻ quy mô nhỏ.
Thị trường trực tuyến của TikTok được cho là đã hoạt động thử nghiệm ở Mỹ kể từ tháng 11/2022, hiện đã có mặt ở các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Vương quốc Anh.
Nikkei Asia nhận định, dịch vụ của ByteDance được thiết lập để phục vụ người bán ở Mỹ tạo ra sự khác biệt với những đối tác Trung Quốc khác đang hoạt động tại thị trường này.
Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng, bất chấp việc đối mặt với lệnh cấm. Vào tháng 11/2022, ứng dụng đã ra mắt tính năng mua sắm, đồng thời liên kết với một loạt cửa hàng nhỏ, content creator (người sáng tạo nội dung) và influencer (người có sức ảnh hưởng). Kế hoạch tiếp theo khi đó là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống để người tiêu dùng Mỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm ở một nơi. Chiến lược khiến TikTok khác biệt hoàn toàn so với Instagram và có thể cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.
Việc ra mắt TikTok Shop ở Mỹ cho thấy sự dũng cảm của công ty mẹ ByteDance, bất chấp những cơn sóng liên quan tới vấn đề chính trị.
Trước lo ngại việc chuyển dữ liệu người dùng về đại lục, TikTok khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ và công ty đang tiến hành xoá những dữ liệu bảo mật có liên quan để đáp ứng yêu cầu từ Washington.
Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn dành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”.
Dẫu vậy, sẽ không dễ để TikTok đạt được những mục tiêu của mình dù cho đã sở hữu tới hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ. Bước chân vào thị trường bán lẻ này đồng nghĩa với việc TikTok đang tự đặt mình vào thế khó khi phải đối đầu với “tay chơi lão làng” như Amazon hay “người đồng hương” Shein.